Bậc lão làng uy tín trong đồng bào Chăm

NDO-Những năm qua, ông Quảng Đại Thính, 69 tuổi, dân tộc Chăm ở làng Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) luôn phát huy vai trò của đảng viên, tuyên truyền, đẩy lùi hủ tục, lạc hậu trong đồng bào dân tộc Chăm đã góp phần nâng cao đời sống, xây dựng địa phương văn minh và giàu đẹp. Ông được bà con gọi là “bậc lão làng uy tín” trong cộng đồng dân tộc Chăm.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Quảng Đại Thính (mặc áo vải ca-rô, giữa ảnh) gặp các bô lão trong làng để vận động xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn minh.
Ông Quảng Đại Thính (mặc áo vải ca-rô, giữa ảnh) gặp các bô lão trong làng để vận động xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn minh.

Cùng đi trên con đường bê-tông láng mượt của làng Chăm Mỹ Nghiệp, ông Quảng Đại Thính cho chúng tôi biết, trước đây, con đường này thường bị lầy lội vào mùa mưa, bà con đi lại, vận chuyển nông sản rất khó khăn. Ông là một trong những người tiên phong vận động bà con hiến đất làm đường, đóng góp ngày công lao động để xây dựng làng Mỹ Nghiệp như ngày hôm nay.

Năm 2020, ông đã vận động bà con đóng góp hơn 500 triệu đồng để làm đường đi sạch, đẹp. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước hơn 23 tỷ đồng, làng Mỹ Nghiệp đã xây dựng nhà trưng bày, đường vào làng nghề, hệ thống điện chiếu sáng, tạo diện mạo mới trong đời sống khu dân cư đồng bào Chăm.

Bậc lão làng uy tín trong đồng bào Chăm ảnh 1
Ông Quảng Đại Thính vận động người dân hiến đất, góp công lao động cùng với sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước, xây dựng cổng làng Mỹ Nghiệp và làm đường giao thông.

Ngoài ra, bãi rác xưa kia của làng đã được ông Thính vận động bà con đóng góp kinh phí, công lao động để dọn và bê-tông hóa khang trang, trở thành nơi sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng trong làng. Đường làng ngõ xóm sạch đẹp, xứng tầm là đô thị trung tâm của huyện Ninh Phước.

Còn nhớ trước đó vào năm 2017, ông Quảng Đại Thính là người có công lớn khi đã vận động bà con xóa bỏ hủ tục lạc hậu để xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường. Theo ông Thính, từ xa xưa, dân tộc Chăm có phong tục ma chay khác là hễ nhà nào có người qua đời, thì không được dùng cây gỗ cũ để dựng rạp cúng bái mà người thân phải đi lên rừng chặt cây gỗ mới đem về dựng rạp làm đám tang thì người chết mới được an lành. Vì vậy, nạn phá rừng ngày càng nhiều, bà con vừa tốn chi phí đi chặt phá cây rừng vừa tác động xấu đến môi trường.

Để xóa bỏ hủ tục lạc hậu này, ông Thính đã tìm gặp những bậc bô lão trong làng để bàn cách sử dụng những cây sắt hộp hiện nay để làm khung dựng rạp tổ chức cúng bái đám tang thay cho cây gỗ. Ông lý giải, nếu dùng sắt thì bà con vừa có thể tái sử dụng sau khi xong đám tang, vừa ít tốn kém chi phí, vừa góp phần bảo vệ môi trường và không vi phạm pháp luật.

Bậc lão làng uy tín trong đồng bào Chăm ảnh 2

Ông Quảng Đại Thính vinh dự nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng vào tháng 9/2023.

Tuy nhiên, các vị chức sắc thì không chịu thực hiện nghi lễ cúng bái trong chiếc rạp dựng bằng sắt. Quyết làm cho được, ông Thính chuyển sang tuyên truyền, vận động một số gia đình tộc họ trong làng mạnh dạn thay đổi. Ban đầu một vài hộ thực hiện, sau đó cả làng Mỹ Nghiệp làm theo và từ đó đã xóa luôn nạn phá rừng.

Đến nay, các làng Chăm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đều học tập làm theo. Nhờ đó, đời sống văn hóa và diện mạo nông thôn ở các làng Chăm ngày càng văn minh, tươi đẹp.

Làng nghề Mỹ Nghiệp nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm của người Chăm. Nơi đây, có nhiều thế hệ phụ nữ giỏi nghề, ông Thính đã vận động bà con truyền nghề cho con cháu để bảo tồn những hoa văn cổ của dân tộc Chăm. Nhờ đó, thế hệ trẻ tiếp nối nghề dệt truyền thống và làng Mỹ Nghiệp trở thành điểm tham quan du lịch nổi tiếng ở Ninh Thuận.

Năm 2023, HTX dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp liên kết với Hiệp hội Du lịch Ninh Thuận đưa du khách đến tham quan làng nghề, thu hút 12.000 lượt khách đến tham quan, mua sản phẩm, doanh thu đạt 1 tỷ đồng.

Bí thư Huyện ủy Ninh Phước Nguyễn Hữu Tuấn cho biết: “Huyện luôn chú trọng phát huy vai trò người có uy tín để tuyên truyền, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc Chăm. Việc này đã góp phần nâng cao đời sống, xây dựng địa phương văn minh và giàu đẹp.

Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được hai xã đạt nông thôn mới nâng cao. Năm 2024, huyện đặt mục tiêu thực hiện thắng lợi 12 tiêu chí về kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng; phấn đấu nâng tổng giá trị sản xuất các ngành đạt hơn 12.512 tỷ đồng, nâng thu nhập bình quân người dân từ 71 lên hơn 75 triệu/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,5%”.