Sự kiện có sự tham gia của các nghệ nhân, diễn viên đại diện cho các dân tộc thiểu số huyện Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Hoài Ân, Tây Sơn, Phù Cát và Trường phổ thông Dân tộc nội trú trung học phổ thông Bình Định.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, đồng chí Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định cho biết, trong những năm qua, tỉnh Bình Định luôn ưu tiên dành nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong đó có công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Các địa phương triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030”.
Quan tâm đầu tư kinh phí mua sắm, trang bị nhạc cụ cồng chiêng cho các thôn, làng vùng dân tộc thiểu số trong tỉnh Bình Định đã tạo điều kiện cho đồng bào được hưởng thụ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình thông qua các hoạt động văn hóa, lễ hội, lễ Tết truyền thống, sinh hoạt cộng đồng tại địa phương. Qua đó, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, khích lệ sáng tạo những giá trị văn hóa mới, phát huy vai trò của đồng bào trong xây dựng và phát triển đời sống văn hóa; góp phần bảo tồn và phát huy các giá truyền thống.
Với chủ đề “Âm vang nhịp điệu núi rừng”, Liên hoan văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ 2 năm 2023 là sự kiện có ý nghĩa văn hóa, xã hội sâu sắc nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Định đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Kết luận 76-KL/TƯ của Bộ Chính trị và Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
Hơn 250 nghệ nhân, diễn viên cồng chiêng của 7 đoàn cồng chiêng đến từ các địa phương trong tỉnh đã mang đến liên hoan nhiều tiết mục đặc sắc, độc đáo, mang đậm sắc thái văn hóa truyền thống của các dân tộc: Chăm, Ba Na, H’rê... Đây là dịp để các diễn viên, nghệ nhân cồng chiêng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong việc phục hồi, truyền dạy và phát huy nghệ thuật cồng chiêng đặc sắc của các dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, cùng nhau phấn đấu xây dựng quê hương Bình Định ngày càng giàu đẹp.