Giảm nạn tảo hôn ở Thái Nguyên

Tảo hôn - chuyện buồn này luôn tiếp diễn ở một số địa bàn miền núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số của Thái Nguyên. Tuy nhiên, với sự đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nỗ lực của các cấp, ngành liên quan, số trường hợp tảo hôn trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ tuyên truyền pháp luật về hôn nhân gia đình đối với người dân.
Cán bộ xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ tuyên truyền pháp luật về hôn nhân gia đình đối với người dân.

Năm 2022, trên địa bàn tỉnh phát hiện 74 trường hợp tảo hôn, năm 2023 có 44 trường hợp thì 6 tháng đầu năm 2024 chỉ ghi nhận 14 trường hợp. Các cấp, ngành trong tỉnh vẫn đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để giảm thiểu vấn nạn tảo hôn.

Bà Hồ Thị Thanh Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Thái Nguyên, cho hay: Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật (nữ chưa đủ 18 tuổi, nam chưa đủ 20 tuổi). Tại Thái Nguyên, Võ Nhai luôn là địa phương có nhiều trường hợp tảo hôn, tiếp theo là huyện Đồng Hỷ.

Các trường hợp tảo hôn diễn ra ở một số xã vùng cao, vùng xa, có nhiều đồng bào dân tộc H'Mông, Dao như: Thượng Nung, Phương Giao, Dân Tiến, Cúc Đường thuộc huyện Võ Nhai; Văn Lăng, Tân Long, Cây Thị thuộc huyện Đồng Hỷ.

Nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, những năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh đã phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị như: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên trong công tác tuyên truyền, vận động người dân về hậu quả của nạn tảo hôn; nắm bắt các trường hợp có nguy cơ tảo hôn để kịp thời can thiệp, xử lý.

Để nâng cao hiệu quả, hoạt động tuyên truyền còn được các cấp, ngành triển khai khá đa dạng, như tuyên truyền các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, tác hại của việc kết hôn và sinh con khi chưa đủ tuổi trường thành thông qua các hội nghị của xóm, xã; lồng ghép với các hoạt động giao lưu văn hóa, lễ hội.

Chính quyền các địa phương còn vận động những người có uy tín, đội ngũ cộng tác viên dân số đến từng gia đình truyền thông trực tiếp các giải pháp nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Đặc biệt, nhiều địa phương đã xử lý khá “mạnh tay” đối với các trường hợp tổ chức cưới tảo hôn cho con. Ông Trần Lê Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai, chia sẻ: Chúng tôi đã từng xử lý vi phạm hành chính đối với những trường hợp tổ chức cưới tảo hôn cho con ở khu dân cư người H'Mông Đồng Ươm, Lân Vai. Ngoài ra, chính quyền còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức cho người dân ký cam kết không tổ chức cưới tảo hôn cho con.

Có thể thấy, nhờ thực hiện những giải pháp tích cực, vấn nạn tảo hôn ở các địa bàn miền núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã giảm theo từng năm, nhưng chưa thật bền vững.

Tỉnh Thái Nguyên xác định, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội ở vùng dân tộc thiểu số; kiên trì tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức; phát huy vai trò của y tế thôn bản, cán bộ làm công tác dân số, sự vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp và cộng đồng dân cư; xây dựng các mô hình điểm và đưa các tiêu chí không tảo hôn vào hương ước, quy ước của thôn, bản để hướng tới không còn vấn nạn tảo hôn trên địa bàn tỉnh.