Khơi dậy bản sắc văn hóa Mường gắn với phát triển du lịch huyện miền núi Ngọc Lặc

NDO- Huyện miền núi Ngọc Lặc (Thanh Hóa) có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mường chiếm gần 72% số dân trong huyện . Công tác bảo tồn, giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mường luôn được cấp ủy, chính quyền huyện Ngọc Lặc quan tâm với nhiều giải pháp nhằm phát huy các giá trị di sản văn hóa của đồng bào gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Nhờ đó góp phần triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh Trường trung học phổ thông dân tộc nội trú Ngọc Lặc trong ngày khai giảng năm học mới.
Học sinh Trường trung học phổ thông dân tộc nội trú Ngọc Lặc trong ngày khai giảng năm học mới.

Nhà sàn của đồng Mường là nơi cư trú, không gian sinh hoạt của các thành viên trong gia đình, nơi dưỡng dục, định hình nhân cách, trao truyền những phong tục tập quán tốt đẹp, ý thức bảo tồn văn hóa Mường. Qua rà soát, thống kê vào năm 2020, toàn huyện còn 1.465 ngôi nhà sàn, trong đó xã Thạch Lập có tới 700 nhà sàn, còn lại phân bố phân tán tại các vùng có người Mường sinh sống.

Trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Ngọc Lặc Phạm Đình Cường trăn trở: Di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện Ngọc Lặc có biểu hiện mai một, thất truyền. Huyện đang triển khai, thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch cộng đồng”.

Theo đó, giai đoạn 2021-2025 huyện Ngọc Lặc hỗ trợ các hộ cải tạo, chỉnh trang 80 nhà sàn truyền thống, huy động sức dân cùng các nguồn lực khác bảo tồn, phát triển thêm 320 nhà sàn truyền thống của người Mường.

Khơi dậy bản sắc văn hóa Mường gắn với phát triển du lịch huyện miền núi Ngọc Lặc ảnh 1

Nhà sàn của đồng bào Mường ở huyện Ngọc Lặc.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thạch Lập Bùi Văn Thắng trao đổi: Huyện cùng chính quyền cơ sở thí điểm chọn, hướng dẫn làng Lập Thắng bảo tồn không gian nhà sàn truyền thống của người Mường gắn với phát triển du lịch.

Bước đầu có 20 hộ dân đăng ký tham gia, được hỗ trợ 400 triệu đồng để chỉnh trang, trùng tu, tôn tạo nhà sàn, bảo lưu đặc trưng về kiến trúc cùng các di sản truyền thống của người Mường, đáp ứng nhu cầu lưu trú, phục vụ kinh doanh lịch. Các gia đình cùng huy động thêm kinh phí tự sửa chữa, thay thế các kết cấu nhà hư hỏng, xuống cấp, không bảo đảm mỹ quan; xây dựng công trình phụ theo quy chuẩn.

Huyện bố trí hơn 6 tỷ đồng ngân sách đầu tư xây dựng Nhà sàn văn hóa làng Thạch Lập; phối hợp các cơ quan chuyên môn khôi phục, phát triển lễ hội Mường Lập, thành lập, duy trì hoạt động Câu lạc bộ văn nghệ truyền thống và đội cồng chiêng, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng, tham gia, sáng tạo văn hóa người dân và khách du lịch.

Khơi dậy bản sắc văn hóa Mường gắn với phát triển du lịch huyện miền núi Ngọc Lặc ảnh 2

Nhà sàn văn hóa làng Lập Thắng ở xã Thạch Lập, huyện Ngọc Lặc.

Từ mô hình thí điểm ở xã Thạch Lập, huyện Ngọc Lặc tiếp tục nhân rộng hoạt động bảo tồn nhà sàn truyền thống của dân tộc Mường ra các xã, thị trấn, phấn đấu đến năm 2025 toàn huyện có hơn 1.800 ngôi nhà sàn.

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp phát huy vai trò của các nghệ nhân, trưởng thôn (làng), người có uy tín trong cộng đồng trao truyền, bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Mường làm nền tảng để phát triển du lịch cộng đồng. Tiếp tục mở các lớp truyền dạy biễu diễn nghệ thuật dân gian truyền thống, nghề dệt thổ cẩm, đan lát, lồng ghép các tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ngọc Lặc Phạm Văn Đạt nhấn mạnh: Cùng với bảo tồn nhà sàn truyền thống, các di sản vật chất đặc trưng, huyện Ngọc Lặc quan tâm, dành kinh phí sưu tầm, nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề cử công nhận di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số ở huyện “cửa ngõ” miền tây tỉnh Thanh Hóa. Do đó đã có 6 di sản được công nhận Di sản phi vật thể quốc gia.

Khơi dậy bản sắc văn hóa Mường gắn với phát triển du lịch huyện miền núi Ngọc Lặc ảnh 3

Xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc rước kiệu Lê Lai về Lam kinh cùng phối tế trong Lễ hội truyền thống Lam Kinh thường niên.

Huyện Ngọc Lặc kết nối điểm du lịch cộng đồng làng Lập Thắng với Khu di tích lịch sử, danh thắng, không gian văn hóa Hang Bàn Bù, ở thị trấn huyện lỵ, đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai ở xã Kiên Thọ thuộc quần thể Di tích cấp quốc gia đặc biệt Lam Kinh, đền thờ Lê Lâm, ở xã Phùng Giáo.

Đồng thời, huyện thu hút các doanh nghiệp lữ hành, các thành phần kinh tế cùng đầu tư khai thác lợi thế du lịch; liên kết, hợp tác với các địa phương ở vùng miền núi Thanh Hóa, các khu du lịch trọng điểm trong tỉnh, phối hợp với các tỉnh, thành phố như: Hòa Bình, Ninh Bình, Hà Nội…, hình thành chuỗi du lịch điểm đến, các tour du lịch hấp dẫn. Nhờ đó, góp phần giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế.