Bảo tồn tiếng nói, chữ viết dân tộc Mường

NDO - Tỉnh Hoà Bình có hơn 63% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Việc đẩy mạnh truyền dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc Mường nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mường . Nhờ đó đã góp phần thực hiệu hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
0:00 / 0:00
0:00
Lớp học tiếng dân tộc Mường tại trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình
Lớp học tiếng dân tộc Mường tại trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình

Năm 2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành Quyết định số 1349 về đề án dạy và học tiếng dân tộc Mường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018- 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Sở Giáo dục Đào tạo là đơn vị chủ trì triển khai thực hiện đề án, trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình là đơn vị triển khai tổ chức thực hiện. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng của đề án là đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc Mường và bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức và cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang để cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường.

Tài liệu bồi dưỡng đối với cán bộ công chức viên chức đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành dựa trên chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình đã tổ chức triển khai với hai bộ tài liệu 300 tiết và bộ tài liệu là 450 tiết.

Bảo tồn tiếng nói, chữ viết dân tộc Mường ảnh 1

Bộ sách học tiếng, chữ Mường

Thực hiện Đề án dạy và học tiếng dân tộc Mường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình là dấu mốc quan trọng của chữ viết gắn với lịch sử xây dựng và phát triển của tỉnh Hòa Bình. Bộ chữ Mường được ra đời vào năm 2016 đã đáp ứng sự mong mỏi của nhiều nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa, và trở thành niềm tự hào với người dân Hoà Bình đã được xây dựng trên cơ sở chữ quốc ngữ, bộ chữ vẫn giữ được bản sắc ngôn ngữ văn hóa của người Mường.

Ngay khi được đưa vào sử dụng rộng rãi, bộ chữ đã giúp con em dân tộc Mường học và sử dụng. Thực tế hiện nay còn một bộ phận con em người Mường sống ở trung tâm thành phố, huyện lỵ không nghe, không nói được tiếng Mường. Không ít cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân vận, phong trào của địa phương không biết tiếng dân tộc Mường nên đã gặp khó khăn khi tiếp xúc với người dân, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa.

Bà Nguyễn Thị Lệ Hường – Hiệu Trưởng trường Cao đẳng Sư Phạm Hoà Bình cho biết: “Trường Cao đẳng Sư phạm Hoà Bình đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó nhiệm vụ rất là quan trọng của đề án là đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc Mường và dạy chữ viết dân tộc Mường cho cán bộ công chức, viên chức cũng như là cán bộ chiến sĩ, lực lượng vũ trang và giáo viên trên địa bàn tỉnh nhằm để thực hiện tốt công tác dân vận: nghe dân nói, nói dân hiểu”.

Bảo tồn tiếng nói, chữ viết dân tộc Mường ảnh 2

Việc dạy tiếng dân tộc Mường nhằm phục vụ tích cực công tác dân vận, tuyên truyền, vận động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Chị Kim Thị Liên – lớp tiếng Mường dành cho công chức, viên chức tỉnh Hoà Bình khoá 2 - trường Cao đẳng Sư Phạm Hoà Bình cho biết:“Tôi làm công việc giải phóng mặt bằng tại huyện Cao Phong cho nên thường xuyên phải đi đến vùng sâu vùng xa, nếu như nói được tiếng Mường thành thành thạo sẽ gần gũi với người dân hơn, chia sẻ được những tâm tư nguyện vọng và phổ biến đến bà con tốt hơn về những chế độ chính sách của Đảng và nhà nước. Sau 3 tuần học tiếng và chữ viết cơ bản tôi đã giao tiếp được với đồng bào dân tộc Mường”.

Năm 2023, Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình đã mở được 20 lớp giáo viên, 3 lớp lực lượng vũ trang trong tỉnh, 2 lớp công chức viên chức, cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức. Việc dạy tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành công việc, đồng thời góp phần tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào được hiệu quả hơn.

Theo kế hoạch năm 2024 - 2025, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hoà Bình sẽ triển khai bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường giai đoạn I cho 2.500 cán bộ, công chức, viên chức; 2.500 giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, THPT và giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp… Việc đẩy mạnh truyền dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc Mường nhằm phục vụ tích cực công tác tuyên truyền, vận động đồng bào phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa.