Chú trọng giải quyết vấn đề cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc và miền núi tỉnh Thanh Hóa

NDO- Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030, Hội Liên hiệp phụ nữ Thanh Hóa tham gia Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” .
0:00 / 0:00
0:00
Nhóm tác giả sáng tác, hoàn thiện tranh truyền thông về bảo vệ phụ nữ, trẻ em.
Nhóm tác giả sáng tác, hoàn thiện tranh truyền thông về bảo vệ phụ nữ, trẻ em.

Cùng với việc thành lập Ban điều hành, tổ giúp việc thực hiện nội dung Dự án 8; Hội phụ nữ các cấp ở Thanh Hóa đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, hội viên phụ nữ, đồng bào các dân tộc thiểu số, miền núi về mục đích, ý nghĩa, nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia; tập huấn cho 130 cán bộ, hội viên phụ nữ, Ban điều hành các mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”, “Thủ lĩnh của sự thay đổi”.

Đồng thời, Hội Liên hiệp phụ nữ Thanh Hóa phối hợp với các cơ quan Trung ương thu thập thông tin toàn diện về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em” tại xã Thạch Quảng và Thạch Lâm, huyện Thạch Thành; đánh giá sự phù hợp, nhu cầu sử dụng phần mềm tổng hợp báo cáo thống kê thực hiện dự án;tập huấn kiến thức nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho trưởng thôn/bản, người có uy tín trong cộng đồng; ra mắt, tập huấn mô hình điểm “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” ở xã Thanh Sơn, huyện Như Xuân.

Chú trọng giải quyết vấn đề cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc và miền núi tỉnh Thanh Hóa ảnh 1

Một tiết mục văn nghệ do các hội viên phụ nữ Thanh Hóa biểu diễn.

Hai năm qua, Hội Phụ nữ các cấp ở Thanh Hóa được phân bổ gần 23 tỷ đồng thực hiện dự Dự án 8 tại 96 xã, 318 thôn đặc biệt khó khăn thuộc 12 huyện trong tỉnh. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng, in, cấp phát hơn 2.000 cuốn tài liệu hướng dẫn vận hành mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng”, “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”, câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” làm cẩm nang thực hiện của các cấp Hội và thôn/bản; tổ chức 670 buổi sinh hoạt định kỳ, chuyên đề tại các mô hình, câu lạc bộ; viết gần 3.000 tin, bài về hoạt động của các cấp Hội.

Hội Phụ nữ các cấp thực hiện các chương trình truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; phối hợp tổ chức cuộc thi “Sáng tác sản phẩm truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới dành cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” có chủ đề “Lắng nghe con nói” tại các câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” và cộng đồng. Kết quả đã thu hút 150 tác phẩm tranh, video dự thi và Thanh Hóa có 1 tác phẩm tranh vẽ của nhóm học sinh huyện vùng cao biên giới Mường Lát đoạt giải khuyến khích toàn quốc.

Ngoài ra, Hội Phụ nữ Thanh Hóa còn tổ chức 17 hội nghị đối thoại chính sách cấp xã, huyện, 80 cuộc nói chuyện chuyên đề thu hút gần 20.000 người tham gia; chỉ đạo các cấp Hội tổ chức 247 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ dân tộc thiểu số. Qua đó, cán bộ phụ nữ, các cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng được quán triệt, nâng cao kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới, quản lý, điều hành mô hình bình đẳng giới, phòng, chống xâm hại phụ nữ, trẻ em.

Đặc biệt các cấp Hội phụ nữ cùng hơn 8.000 thành viên các mô hình, câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, “Địa chỉ tin cậy”, “Tổ Truyền thông cộng đồng” đẩy mạnh hoạt động truyền thông cộng đồng, tổ chức 241 sự kiện truyền thông tới 35.127 cán bộ, hội viên, phụ nữ, nhân dân thuộc vùng dự án về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, xóa bỏ định kiến giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ, trẻ em.

Chú trọng giải quyết vấn đề cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc và miền núi tỉnh Thanh Hóa ảnh 2

Ban tổ chức trao thưởng cho các thành viên tham dự giao lưu sáng kiến truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình.

Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo xây dựng các mô hình điểm: “Tổ truyền thông cộng đồng” tại thôn Giỏi, xã Vân Am, huyện Ngọc Lặc; “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” tại xã Trung Tiến, huyện Quan Sơn; câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại Bản Lát, xã Tam Chung, huyện Mường Lát. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh sớm xây dựng tài liệu hướng dẫn vận hành mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng”,“Địa chỉ tin cậy”, “Thủ lĩnh của sự thay đổi” thiết kế các chương trình, bài giảng liên quan làm cẩm nang thực hiện; cung cấp các trang thiết bị trị giá gần 600 triệu đồng cho 150 mô hình; tập huấn sâu rộng kiến thức, kỹ năng quản lý, điều hành cho Ban điều hành, các thành viên tham gia các mô hình, câu lạc bộ.

Với những cách làm hay, sáng tạo của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thanh Hóa đã nâng cao hiệu quả hoạt động, nhân rộng các mô hình, thay đổi định kiến giới, phòng chống bạo lực, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đến nay, khu vực này có 38 mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”, 223 mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng”, 21 câu lạc bộ“Thủ lĩnh của sự thay đổi”.