Thi đua sản xuất, thoát nghèo bền vững
Ở xã Quế Phú (huyện Quế Sơn, Quảng Nam), hầu như ai cũng biết anh Ðồng Phước Tào. Cơ ngơi bề thế của anh hôm nay là "quả ngọt" sau cả một hành trình dài đầy gian nan, thấm đẫm mồ hôi để xây dựng mô hình cung ứng nông sản.
Năm 1991, sau bốn năm thực hiện nghĩa vụ quân sự, anh Tào trở về địa phương, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông với năm sào ruộng cha mẹ để lại. "Ngày đó, dù nỗ lực đến mấy, làm ruộng cũng chỉ là sinh kế sống qua ngày, khó có của cải để dành. Tôi đã chuyển sang thu mua, kinh doanh nông sản để vừa tăng thu nhập, vừa không xa rời nghề nông", anh bộc bạch.
Thời gian đầu, anh gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do nguồn vốn eo hẹp, mô hình kinh doanh nhỏ lẻ, kỹ thuật bảo quản nông sản cũng chưa tốt. Do kinh doanh theo kiểu truyền thống, anh thường phải trực tiếp đến các đại lý, khách hàng để ký hợp đồng, ghi hóa đơn, thanh toán... tốn công sức, thời gian. Năm 2004, từ khoản vốn vay hỗ trợ 100 triệu đồng của Hội Nông dân xã Quế Phú, anh Ðồng Phước Tào thuê thêm kho bãi, mua máy móc, phương tiện vận chuyển nhằm ổn định đầu ra cho nông sản.
Tuy nhiên, anh tiếp tục gặp khó do chưa thể cân bằng chi phí dịch vụ và lợi nhuận. Mô hình của anh có sức cạnh tranh thấp do quá phụ thuộc vào phương tiện vận chuyển, khiến dịch vụ thường bị chậm trễ. May mắn, thời điểm mô hình kinh doanh của anh Tào đang đứng trên bờ vực cũng là lúc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách liên quan đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và ngay sau đó là Quyết định số 749/QÐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.
Những Nghị quyết, Quyết định nêu trên đã thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trên diện rộng, trong đó có mô hình của anh Tào. Việc ký kết hợp đồng, ghi hóa đơn, thanh toán tiền... nay được thực hiện hoàn toàn bằng công nghệ số, nhanh chóng và bảo đảm an toàn. Ðặc biệt, anh đã có thể phục vụ khách hàng 24/24 giờ trong ngày, đồng thời cải tiến, phát triển thêm nhiều loại hình cung ứng nông sản mới. Khách hàng của anh cũng có thể giao dịch thuận tiện, giảm chi phí không cần thiết.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, gia đình anh Ðồng Phước Tào luôn là gương sáng trong tham gia các hoạt động nhân đạo.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quế Sơn Trần Hữu Ninh
"Thừa thắng xông lên", anh tiếp tục ứng dụng khoa học-kỹ thuật, đầu tư vốn mở rộng mô hình. Ðến nay, ngoài kho chứa hàng 600m2 và nhiều máy xay xát, lọc sạn... anh Tào còn sở hữu ba xe tải lớn nhỏ phục vụ kinh doanh. Ngoài Quảng Nam, thị trường nông sản của anh hiện đã vươn đến nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như Ðà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình và khu vực Tây Nguyên.
Mạng lưới thu mua nông sản của anh có mặt tại nhiều vựa lúa trên cả nước, hằng năm đạt mức 7 nghìn tấn hàng, cho lợi nhuận ròng hơn 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động địa phương với thu nhập hằng tháng từ 5 triệu-7 triệu đồng/người.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quế Sơn Trần Hữu Ninh cho biết, không chỉ làm kinh tế giỏi, gia đình anh Ðồng Phước Tào luôn là gương sáng trong tham gia các hoạt động nhân đạo. Từ năm 2016 đến nay, anh đã trao hàng trăm suất quà tặng nông dân nghèo ở Quế Sơn, liên tục 5 năm liên tiếp anh được nhận danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện.
Nhắc tới hiệu quả phong trào gắn với lan tỏa chuỗi giá trị nông sản, có thể kể đến chị Nguyễn Thị Mai, người nhiều năm đạt các danh hiệu nông dân xuất sắc, tiêu biểu, sản xuất, kinh doanh giỏi, giải thưởng Lương Ðịnh Của… Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo ở thôn Hoàng Thạch (xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang), chị Mai luôn trăn trở về ước mơ làm giàu chính đáng cho bản thân và nông dân địa phương.
Chị đã mạnh dạn đưa nhiều loại cây mới về quê nhà để ươm tạo, gây giống. Trải qua chặng đường đầy khó khăn, thử thách, đến nay, chị đã là chủ sở hữu của 15ha cây vú sữa, sưa đỏ, muồng hoàng yến, thông, bàng Ðài Loan (Trung Quốc)… đồng thời nhận bao tiêu đầu ra cho 50ha cây giống của nông dân xã Hoàng Vân.
Không những thành công với các loại cây nêu trên, nhà nông 8x còn thể hiện sự "mát tay" đối với hàng loạt giống cây xanh làm đẹp cảnh quan, bảo vệ môi trường đô thị. Từ nguồn vốn đầu tư khoảng 3 tỷ đồng, hiện mỗi năm mô hình sản xuất, kinh doanh của chị Nguyễn Thị Mai có tổng doanh thu hơn 9,5 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận ròng đạt 2,5 tỷ đồng/năm; tạo công ăn việc làm cho 15 lao động thường xuyên và 50 lao động mùa vụ với mức thu nhập bình quân hằng tháng khoảng 6 triệu đồng/người.
Chị Mai còn luôn đồng hành với gần 100 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong cung cấp cây giống, phân bón trả chậm. Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát phức tạp, chị tham gia ủng hộ, trực tiếp vận chuyển cơm miễn phí đến lực lượng tuyến đầu chống dịch trong nhiều tháng liên tục…
Cũng giống các địa phương nêu trên, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở tỉnh Bạc Liêu đã phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn 2017-2022. Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu Trương Thanh Nhã, hiện toàn tỉnh có khoảng 77 nghìn hội viên tham gia phong trào. Trong đó, đã có hơn 43 nghìn trường hợp đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Ðây là những tấm gương góp phần tiếp tục lan tỏa phong trào sâu rộng, từng bước hình thành thế hệ nông dân năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm với những mô hình mới mẻ, đạt hiệu quả kinh tế cao, ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ.
Phong trào đã góp phần thay đổi diện mạo nhiều làng quê trên toàn tỉnh, gắn với tiến trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp của đất nước. Ðơn cử như chuỗi mô hình sản xuất nuôi tôm sú, tôm thẻ kết hợp 15 loài cá đặc sản với diện tích hơn 30ha của anh Phan Khắc Nhật Tiến tại phường 5 (thành phố Bạc Liêu).
Mới đây, gia đình anh đầu tư mô hình nuôi lươn không bùn công nghệ cao. Với số lượng hơn 100 hồ lươn, trong năm đầu tiên, anh thả nuôi hơn 110 nghìn con giống, đến nay không ít hồ đã có thể thu hoạch. Liên tục sáng tạo, không ngừng phát triển chuỗi mô hình kết hợp, bình quân mỗi năm anh Tiến bán ra thị trường khoảng 400-500 tấn tôm, cá các loại, lợi nhuận hơn 15 tỷ đồng.
Có thể kể đến các hộ nông dân tiêu biểu như anh Nguyễn Văn Chiến ở xã Minh Diệu (huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) với mô hình xay xát, bán gạo, cám và thu mua lúa để chế biến thành gạo thương phẩm cho thị trường trong nước và nước ngoài với lợi nhuận hơn 8 tỷ đồng/năm; anh Phạm Thanh Phương, trú tại ấp Thông Lưu B (thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) với mô hình trồng táo hai vụ, thu lời khoảng 700 triệu đồng/năm.
Anh Phương chia sẻ: Với sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu, anh hiện đang hoàn thiện thủ tục đăng ký mã QR để phát triển chuỗi cung ứng táo sạch đến nhiều hệ thống siêu thị, qua đây nâng tầm giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho mô hình.
Nỗ lực tạo chuyển biến ở mọi cấp Hội
Giai đoạn 2017-2022, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được đưa vào Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành các cấp Hội Nông dân Việt Nam. Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để nông dân cả nước tham gia đẩy mạnh phong trào, Trung ương Hội đã tổ chức 4 hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân; cấp tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức hơn 11 nghìn hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với nông dân.
Trung ương Hội Nông dân Việt Nam còn ký kết hàng loạt chương trình phối hợp với các bộ, ngành, đẩy mạnh các đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn; tập huấn khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư cho hàng triệu lượt hội viên, nông dân; hướng dẫn xây dựng hàng nghìn mô hình trình diễn, kinh tế hợp tác, sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP... để khai thác nguồn lực, phát huy tiềm năng đa dạng của địa phương.
Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" giai đoạn 2017-2022 đã được các cấp Hội Nông dân Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu, trở thành đợt thi đua mang tính bền vững trên khắp cả nước.
Ðáng chú ý, trong hoạt động tạo vốn, các cấp Hội thường xuyên phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thông cũng như các ngân hàng thương mại, vừa đồng hành với nông dân trong đầu tư sản xuất, kinh doanh, vừa hạn chế nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen ở vùng nông thôn. Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp nhanh chóng ra đời, tạo nguồn lực hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng và phát triển các mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp, tổ, nhóm liên kết, hợp tác sản xuất, kinh doanh.
Theo thống kê, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã thành lập được hệ thống 55 trung tâm có chức năng dạy nghề, hỗ trợ nông dân ở nhiều cấp, hằng năm dạy và phối hợp dạy nghề cho gần 300 nghìn người. 5 năm qua, bình quân hằng năm, số lượng hội viên, nông dân đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp tăng 4,3%.
Ủy viên Trung ương Ðảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Ðoàn cho biết: Chỉ tính riêng đến hết năm 2021, đã có 3,6 triệu hộ nông dân đạt danh hiệu vừa nêu, chiếm hơn 51% tổng số hộ đăng ký. Chất lượng và hiệu quả phong trào ngày càng được nâng cao, xuất hiện nhiều hộ nông dân có quy mô sản xuất lớn với vốn kinh doanh hàng trăm tỷ đồng, thu hút lực lượng lao động dồi dào, đạt thu nhập hằng năm từ hàng trăm triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng. So với giai đoạn 2012-2017, số hộ nông dân có thu nhập đạt hơn 500 triệu đồng/năm đã tăng ba lần, số hộ có thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm tăng hai lần.
Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" giai đoạn 2017-2022 đã được các cấp Hội Nông dân Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu, trở thành đợt thi đua mang tính bền vững trên khắp cả nước. Phong trào này trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế-xã hội nông thôn, góp phần khích lệ hàng triệu hộ nông dân phát huy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.
Những năm qua, đất nước chịu ảnh hưởng rất lớn từ thiên tai, dịch bệnh và sự suy thoái của kinh tế thế giới, nhưng phong trào vẫn giữ vững vai trò ngọn cờ động viên nông dân phát huy truyền thống cần cù, sáng tạo, góp phần quan trọng giữ vững an ninh lương thực quốc gia, thúc đẩy xuất khẩu nông sản hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ■