Nông thôn thời 4.0
Xã Giao Phong, huyện Giao Thủy là xã đầu tiên trong hơn 200 xã, thị trấn của tỉnh Nam Định được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2022. Bên cạnh những thành tựu trong xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao thu nhập…, Giao Phong đặc biệt nổi bật về kết quả chuyển đổi số.
Trên địa bàn xã, tỷ lệ người dân theo độ tuổi lao động sử dụng điện thoại thông minh đạt hơn 95%; tỷ lệ phủ sóng mạng di động (4G/5G) trong phạm vi xã đạt 95%; 100% số cán bộ xã, thôn sử dụng điện thoại thông minh có kết nối internet; tỷ lệ dân số có sổ khám, chữa bệnh điện tử đạt 95%.
Trong công tác quản lý điều hành, Giao Phong triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4,
kết quả số hóa thủ tục hành chính hay kết quả thanh toán trực tuyến của xã đều đạt mức cao. Xã hiện có bốn sản phẩm OCOP được xếp hạng cấp tỉnh từ ba sao trở lên, tất cả được giới thiệu, quảng bá trên sàn thương mại điện tử; có hệ thống quản lý thông tin dữ liệu kinh tế-xã hội; tám điểm công cộng lắp đặt wifi miễn phí tốc độ cao; 92 camera giám sát tình hình an ninh trật tự…
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Giao Phong Phạm Văn Sơn cho biết: Trong thời gian bùng phát dịch Covid-19, phần lớn hoạt động của chính quyền, người dân phải thực hiện trên môi trường internet, góp phần đẩy nhanh quá trình hoàn thiện trang thiết bị phục vụ chuyển đổi số.
Phát huy bước đà này, Giao Phong đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với chuyển đổi số. Giờ đây chỉ cần một cú nhấp chuột trên máy tính, văn bản chỉ đạo, công văn hướng dẫn sẽ được xã gửi tới nhóm Zalo chung của các bí thư, trưởng xóm, và tiếp tục đến với thiết bị thông minh của người dân, tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức so với trước. Khoảng cách giữa chính quyền và nhân dân dường như đã bị xóa nhòa trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến vai trò của “Tổ công nghệ số cộng đồng”, với nòng cốt là lực lượng đoàn viên, thanh niên được Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định tập huấn. Hiện nay, toàn bộ 11 xóm trên địa bàn xã Giao Phong đều thành lập các tổ này, mỗi tổ từ sáu đến 10 người, trong đó luôn có cán bộ công chức xã; thường xuyên tổ chức hỗ trợ, hướng dẫn người dân các thao tác, ứng dụng trên thiết bị thông minh.
Tại bộ phận một cửa, lãnh đạo xã Giao Phong cũng chỉ đạo bố trí máy tính và máy scan, cử riêng cán bộ thường trực để kiên trì “cầm tay” hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính qua mạng internet, giúp họ dần quen với những tiện ích của dịch vụ hành chính công.
Nhờ những nỗ lực không ngừng của cấp ủy, chính quyền và người dân xã Giao Phong, tháng 3/2023, xã được chọn thí điểm mô hình xã nông thôn mới thông minh, theo danh mục mô hình thí điểm do Trung ương chỉ đạo thuộc Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn thông minh giai đoạn 2021-2025.
Vì mục tiêu nông thôn mới thông minh
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Giao Phong Phạm Văn Sơn, sau khi được Trung ương chọn thí điểm mô hình xã nông thôn mới thông minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời để xã làm căn cứ rà soát, triển khai thực hiện, với sáu nội dung và 18 tiểu mục tiêu chí. Đối chiếu văn bản này, xã đã có một số tiểu mục đạt điều kiện, tuy nhiên do đang làm thí điểm, cũng có không ít nội dung, tiểu mục khiến cấp ủy, chính quyền xã gặp bối rối, thậm chí chưa hiểu rõ hoàn toàn yêu cầu của tiêu chí.
Bởi vậy, bên cạnh việc bám sát hướng dẫn của Trung ương, Giao Phong cũng chủ động nghiên cứu, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để hướng tới mục tiêu trở thành xã nông thôn mới thông minh vào năm 2024 như kế hoạch đã đặt ra. Đồng chí Phạm Văn Sơn nhấn mạnh: “Khó khăn trước mắt rất nhiều, nhưng qua chặng đường dài được bà con chung tay, đồng thuận với nhận thức sâu sắc về vai trò chủ thể trong xây dựng phong trào nông thôn mới từ giai đoạn đầu đến nay, chúng tôi tin mình sẽ làm được!”.
Đồng chí Nguyễn Văn Hữu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh cho biết, việc xây dựng thành công ít nhất một mô hình xã nông thôn mới thông minh là tiêu chí bắt buộc để được công nhận huyện nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Hiện nay trừ huyện Giao Thủy có xã Giao Phong đã được Trung ương chọn thí điểm, toàn bộ các huyện khác trong tỉnh đều đang tiến hành rà soát xây dựng xã nông thôn mới thông minh, với mức hỗ trợ 250 triệu đồng/xã từ ngân sách tỉnh.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Hữu, nhiều địa phương đang gặp khó khăn trong triển khai xây dựng nông thôn mới thông minh do kinh phí đầu tư hạ tầng lớn; việc chọn nội dung sản phẩm thông tin để số hóa chưa đồng bộ; việc duy trì, vận hành nền tảng số ở các địa phương còn hạn chế, cần đề án, kế hoạch cụ thể; nhận thức, kỹ năng sử dụng công nghệ của người dân nhiều nơi chưa cao…
Bởi vậy, xây dựng xã, huyện nông thôn mới thông minh là một trong những nội dung được Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Nam Định đặc biệt quan tâm. Tính đến tháng 8/2023, Nam Định có 189 trong số 204 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 92,6%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết), 19 trong số 204 xã, thị trấn (10,1%) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, có 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 25% số xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và ít nhất một huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.