Một trong những cơ sở bí mật đó của các chiến sĩ Biệt động thành là căn nhà số 287/70 Phan Ðình Phùng (nay là đường Nguyễn Ðình Chiểu, phường 10, quận 3). Căn nhà nay vẫn mở cửa đón khách tham quan, để mọi người hiểu thêm về cuộc chiến tranh có một không hai của người dân Sài Gòn đối với cách mạng.
Căn nhà có một hầm khá rộng, chừng 20 m2, được đào sâu dưới nền nhà, với lỗ thông gió dùng để chứa các loại vũ khí, kể cả các chiến sĩ biệt động khi bị động có thể ém quân. Ðây là cơ sở giấu vũ khí của Biệt động thành đánh vào Dinh Ðộc lập năm 1968. Và là một cơ sở bí mật nhiều năm liền của lực lượng Biệt động thành để tập kích vào các cứ điểm khác tại trung tâm Sài Gòn mà Mỹ-ngụy không hề hay biết.
Chị Hồng Nga, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Biệt động Lê Thị Riêng cho biết: Theo sự chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Quân khu Sài Gòn - Gia Ðịnh, vào năm 1967, ông Trần Văn Lai (tức Mai Hồng Quế) một thành viên của đơn vị Biệt động số 159 (sau đổi tên là J9/T700) đã mua căn nhà trên và các chiến sĩ Biệt động thành đã đào dưới nền nhà một hầm ngầm bí mật. Căn hầm có chiều rộng 2 m, dài 8m để chứa vũ khí phục vụ cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, lúc này đang được Bộ Chỉ huy Quân khu Sài Gòn - Gia Ðịnh chỉ đạo tiến hành ngay trong dịp Tết Mậu Thân.
Ðể không bị địch phát hiện, gia đình ông Dương Văn Ten, Dương Văn Ðây (quần chúng chí cốt của biệt động) đã giấu vũ khí trong ván gỗ đục rỗng ruột, được bó cuộn tròn, dây leo, chậu hoa cảnh ngụy trang để từ ngoại ô vào nội đô... Còn ông Nguyễn Văn Ba (tự Ba Bảo) là người được giao chở vũ khí từ căn cứ Củ Chi về nội đô Sài Gòn bằng xe tải. Ông đã nhận và chuyển về căn hầm bí mật 350 kg thuốc nổ TNT, thuốc nổ C4, 15 súng AK và 3.000 viên đạn, súng các-bin, súng ngắn, B40, lựu đạn, dây cháy chậm, kíp nổ, nụ xòe... đủ để các chiến sĩ biệt động công kích vào căn cứ.
Ðêm mồng một, rạng sáng mồng hai Tết Mậu Thân 1968, trong lúc người dân Sài Gòn chuẩn bị đón Tết, các chiến sĩ biệt động thuộc Ðội 5, Phân khu 6 đã tập kết về đây đông đủ để nhận vũ khí, chuẩn bị tiến công ngay căn cứ trung tâm của chính quyền Sài Gòn - Dinh Ðộc lập, nơi chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đang trị vì.
Các chiến sĩ biệt động thuộc Ðội 5 Biệt động thành do Bộ Tư lệnh Biệt động thành phân công chỉ huy trưởng trận đánh là Tô Hoài Thanh (tức Ba Thanh). Chỉ huy phó là Nguyễn Thanh Vân (tức Hai Thanh), Chính trị viên là Trương Văn Rồi. Quân số của Ðội 5 biệt động là 15 người, nhưng chỉ có một nữ là Vũ Minh Nghĩa (tự Chính Nghĩa), quê ở Củ Chi và là người thường xuyên được cử về trung tâm nội thành điều nghiên kỹ đường sá ra vào các cứ điểm tại trung tâm Sài Gòn.
Ðêm đó, đón giao thừa Mậu Thân 1968 xong, tại căn cứ ở Củ Chi, cô gái trẻ biệt động Vũ Minh Nghĩa dẫn năm anh em biệt động ra bến xe về thẳng nội đô. Sáng mồng một Tết, xe đò không chạy, các anh phải nhờ một xe lam chở gia đình đi chúc Tết quá giang về tới Hoóc Môn. Khi Vũ Minh Nghĩa đề nghị các anh cứ tạm ở đây, tôi vô nội đô trước, tìm cách kiếm xe đón. Thế là vào thẳng nhà anh Lê Tấn Quốc, cũng là chiến sĩ biệt động tại chợ Hòa Hưng nay là quận 3. Phương án lúc này được chỉ huy giao là gấp lắm rồi, mà xe cộ ngày Tết không chạy, nên từng người phải di chuyển bằng xe hon-da một người phải chở nhau hai người, về cứ điểm tại căn nhà có hầm chứa vũ khí.
Ðêm mồng một Tết Mậu Thân, anh Ba Thanh họp toàn bộ anh em đã về, tuyên bố là Bộ Tư lệnh Biệt động thành giao cho Ðội 5 đánh thẳng vào Dinh Ðộc lập ngay đêm nay mồng một Tết. Mọi chiến thuật tiến công đã thông qua và Bộ Tư lệnh Biệt động thành đã duyệt. Ðội lấy hướng tiến công theo đường Nguyễn Du (bây giờ) đánh cổng phía nam của dinh, rồi triển khai đánh chiếm cổng chính, chắc thắng sẽ chiếm cổng chính, chờ đại quân ta đánh tràn vào.
Lúc này ai cũng lo là Dinh Ðộc lập được hệ thống bảo vệ trong, ngoài rất chặt. Toàn đội chỉ có 15 người, lực lượng quá mỏng so với nhiệm vụ được giao. Anh Ba Thanh, chỉ huy trưởng trận đánh cho biết, kế hoạch của Bộ Tư lệnh Biệt động là đúng hai giờ sáng tất cả các điểm đều phải phát hỏa. Như thế là cả đội đúng một giờ sáng mồng một Tết Mậu Thân 1968 xuất quân bằng ba chiếc xe tải nhỏ và hai chiếc hon-da "hộ tống". Chiếc xe đi đầu có ba anh em biệt động chở khối thuốc nổ lớn được giấu tại căn nhà số 287/70 Phan Ðình Phùng; hai xe sau cách nhau một khoảng ngắn chở tám người và vũ khí gồm súng AK, cạc-bin, lựu đạn, B.40 và súng ngắn K.54. Hai xe hon-da có bốn chiến sĩ mang súng ngắn chạy áp hai xe. Khi xe đầu tiên vào đến đường Nguyễn Du, bọn lính gác ra ngăn, không do dự, chỉ huy trưởng Ba Thanh lệnh, tiêu diệt ngay những tên lính gác này. Như thế là trước 15 phút của trận đánh, cả tốp lính gác đã bị tiêu diệt.
Kế hoạch triển khai nhanh khi xe tải nhẹ đi đầu chở khối bộc phá đến cổng. Khối bộc phá được xe cho đâm thẳng vào cổng dưới của dinh, các tên bảo vệ cổng đã bị các chiến sĩ hạ gục. Nhưng do để trong hầm nhà lâu, dây cháy chậm trong khối thuốc bị ẩm, không bắt cháy. Vậy là cả Ðội 5 với 15 chiến sĩ phải triển khai đánh địch ngay tại cổng ngoài của Dinh Ðộc lập. Và với trí thông minh tuyệt vời của các chiến sĩ biệt động Ðội 5, các xe bọc thép của Mỹ điều tới, cùng lực lượng canh gác của chúng đã bị các chiến sĩ Biệt động thành tiêu diệt. Ðội 5 Biệt động thành đã chiến đấu tới cùng trong cả ngày mồng một Tết Mậu Thân và cả đội - trừ chị Vũ Minh Nghĩa thoát được, chiến đấu và hy sinh tới giọt máu cuối cùng vì Tổ quốc.
Nay, căn nhà số 287/70 đường Nguyễn Ðình Chiểu, quận 3 đã được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1988.