Lúc còn sống, giáo sư, Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân Trần Văn Giàu, người từng là Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ những năm trước 1945 và là người cùng sang học đại học tại Liên Xô sau Tổng Bí thư Hà Huy Tập đã kể về những ngày hai người đã sống và học tập, tiếp thụ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, hơn 70 năm về trước. Giáo sư Trần Văn Giàu cho biết, đồng chí Hà Huy Tập là người học giỏi nhiều thứ tiếng, tác phong nhanh nhẹn, có kiến thức sâu và rộng về nhiều mặt. Lúc học ở Ðại học Phương Ðông, những vấn đề về quan điểm cách mạng Ðông Dương cũng như các vấn đề quốc tế, châu Á... bao giờ cũng được đồng chí Hà Huy Tập tranh luận sôi nổi, đồng thời thể hiện chính kiến riêng của mình về các vấn đề sinh viên nêu ra.
Trong quá trình hoạt động, từ năm 1919 đến 1923, Hà Huy Tập học tại Trường Quốc học Huế. Sau khi tốt nghiệp, về dạy học tại Nha Trang. Ðồng chí tham gia cách mạng năm 1925. Với "vỏ bọc" bí mật là thầy giáo dạy học ở Trường An Nam học đường (Trường Nguyễn Xích Hồng ngày nay), đồng chí đã vào Sài Gòn, ở tại khu vực Bà Chiểu. Tại Sài Gòn, trung tâm của phong trào yêu nước lúc đó, đồng chí đã liên lạc với những người yêu nước trí thức tại Sài Gòn như các ông Ðào Xuân Mai, Trần Ngọc Danh, Nguyễn Khoa Hiền, Nguyễn Ðình Kiên... để phát triển tổ chức Kỳ bộ Tân Việt ở Sài Gòn. Phong trào được phát triển sang tỉnh Chợ Lớn và các tỉnh chung quanh.
Tháng 12-1928, đồng chí Hà Huy Tập cùng các đồng chí Phan Ðăng Lưu, Lê Liên Vụ, Trần Ngọc Danh được cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) liên hệ với Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đang hoạt động và đứng chân tại đây. Các đồng chí này đã được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và cùng Người bàn bạc về phong trào yêu nước, cũng như việc thành lập các lực lượng của cách mạng. Bàn bạc công việc xong, đồng chí Phan Ðăng Lưu về nước hoạt động, còn đồng chí Hà Huy Tập và Trần Ngọc Danh được giới thiệu vào tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Ngày 19-7-1929, đến Mát-xcơ-va, rồi từ ngày 24-7-1929, đồng chí được tổ chức của ta ở Quảng Ðông giới thiệu vào học Trường đại học Phương Ðông (Liên Xô) mang thẻ sinh viên số 4.717, với bí danh mới, là trưởng nhóm sinh viên của Ðông Dương sang Ðại học Phương Ðông học tập. Tại Nga, với tư cách Tổ trưởng của nhóm sinh viên các nước Ðông Dương tại Mát-xcơ-va, đồng chí đã ký giấy giới thiệu đồng chí Lê Hồng Phong vào Ðảng Bôn-sê-vích Nga; bản giới thiệu được viết bằng tiếng Nga có ký tên đồng chí với bí danh Xư-nhi-trkin.
Học xong Ðại học Phương Ðông, từ Liên Xô về nước, đồng chí chọn con đường qua nước Pháp cho an toàn, thì bị thực dân Pháp bắt giam và ra lệnh trục xuất đưa sang nước Bỉ; do đó đồng chí phải quay lại Liên Xô và tìm đường về nước qua con đường từ Trung Quốc. Những năm hoạt động ở nước ngoài, đồng chí Hà Huy Tập thường xuyên liên hệ với các lãnh tụ cách mạng nước ta đang hoạt động trên nhiều nước và phong trào ở trong nước. Tại Bỉ, đồng chí liên hệ với tổ chức cách mạng và được giúp đỡ để sang Trung Quốc. Ngày 17-3-1935, Quốc tế Cộng sản gửi cho Ban Chỉ huy ở nước ngoài của Ðảng chỉ thị: Ðồng chí Lê Hồng Phong là Tổng Thư ký Ðảng Cộng sản Ðông Dương, đồng chí Hà Huy Tập lãnh đạo Ban Chỉ huy ở hải ngoại của Ðảng. Từ ngày 27 đến 31-3-1935, tại Ma Cao, đồng chí Hà Huy Tập trực tiếp chủ trì Ðại hội lần thứ nhất của Ðảng ta.
Hội nghị Ban lãnh đạo hải ngoại của Ðảng ngày 26-7-1936 do đồng chí Hà Huy Tập chủ trì đã ra các chỉ thị gửi các tổ chức của Ðảng, quyết định thành lập Mặt trận Nhân dân phản đế Ðông Dương, sau đó đổi thành Mặt trận thống nhất Dân chủ, chống phát-xít, chống phản động thuộc địa và tay sai, đòi tự do, cơm áo, hòa bình. Ngày 12-10-1936, tại Hội nghị của Ðảng, để bầu Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, đồng chí Hà Huy Tập được bầu làm Tổng Bí thư của Ðảng Cộng sản Ðông Dương.
Sau hội nghị này của Ðảng Cộng sản Ðông Dương, đồng chí và cơ quan Trung ương Ðảng ta đứng chân tại Sài Gòn để cùng với tổ chức của Ðảng khôi phục các phong trào. Ðược các đồng chí trụ cột trong Xứ ủy Nam Kỳ như: Võ Văn Tần, Tạ Uyên, Võ Văn Ngân chuẩn bị mọi mặt để đưa cơ quan Trung ương về lấy địa bàn hoạt động là xã Bà Ðiểm (Hóc Môn), cách trung tâm Sài Gòn gần 20 km làm nơi đứng chân. Ngày 10-12-1936, Hội nghị Ủy ban Trung ương đã được tổ chức ở Nam Kỳ, đồng chí Hà Huy Tập với cương vị là Tổng Bí thư đã cùng Trung ương nỗ lực bắt liên lạc, thành lập các Xứ ủy trong cả nước để chỉ đạo phong trào cách mạng. Tiếp sau đó Trung ương Ðảng ta đã bắt liên lạc được với phong trào ở Cao Miên (tức Cam-pu-chia); tháng 2 và 3-1937, liên lạc được với các Xứ ủy Bắc Kỳ và ở Trung Kỳ để chỉ đạo thống nhất phong trào hoạt động. Từ ngày 13 đến 14-3-1937, đồng chí Hà Huy Tập chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng tại Hóc Môn (Gia Ðịnh). Từ ngày 2 đến 3-9-1937, đồng chí chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng tại Bà Ðiểm (Hóc Môn) và từ ngày 29 đến 30-3-1938, đồng chí Hà Huy Tập chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng tại Bà Ðiểm (Hóc Môn).
Ngày 1-5-1938, trên đường công tác, đồng chí Hà Huy Tập bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn. Không tìm được chứng cứ gì, bọn chúng kết án đồng chí tám tháng tù giam. Sau khởi nghĩa Nam kỳ, ngày 25-3-1941, đồng chí Hà Huy Tập bị thực dân Pháp kết án tử hình vì tội "có trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa". Tại Khám Lớn - Sài Gòn, ngày 2-5-1941, đồng chí Hà Huy Tập gửi một lá thư cho người em rể tên là Nguyễn Cường, để nhờ nói với gia đình những lời vĩnh biệt của mình: "Nếu chẳng may mà phải chết, thì bức thư này là thư vĩnh biệt. Tôi chúc cho mỗi người trong gia đình và tất cả các bạn hữu gần xa được hạnh phúc và khương minh"...
Ngày 23-11-2009, thi hài cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập mới được tìm thấy tại xã Xuân Thới Thượng, Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh, cách nơi thực dân Pháp xử bắn đồng chí hơn năm km.