Người chỉ huy trưởng Biệt động Sài Gòn

NDO - Ngày 3-1-2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến tận giường bệnh của Tham mưu trưởng Quân khu Sài Gòn - Gia Ðịnh, Chỉ huy trưởng Biệt động Sài Gòn - Ðại tá Nguyễn Ðức Hùng (tức Tư Chu) đang điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Trãi, TP Hồ Chí Minh để trao Danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho người đã lãnh đạo đội quân đặc biệt làm rung động Sài Gòn hơn 37 năm về trước.
Đại tá Tư Chu (người thứ ba từ trái sang), trong Hội thảo Kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Đại tá Tư Chu (người thứ ba từ trái sang), trong Hội thảo Kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Là con người bình dị, hiền lành của một gia đình nghèo nông thôn vùng quê Hà Tĩnh, Tư Chu tham gia chiến trường miền Nam từ rất sớm. Những ngày đầu cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp, ông tình nguyện đi vào chiến đấu tại Sài Gòn. Dù lúc đó ở vùng ngoại ô, những công việc mà tổ chức giao cho đại tá  đều hết sức bí mật. Và duyên nợ mà Ðại tá Nguyễn Ðức Hùng đến với biệt động Thành và ngành quân báo là từ đó.

Ðược biết từ giữa năm trước, đại tá hết sức phấn khởi  khi biết Ðảng, Nhà nước đã đánh giá cao công trạng và tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho tám đơn vị, cán bộ, chiến sĩ của Biệt động Sài Gòn năm xưa. Khi xem truyền hình trực tiếp lễ tuyên dương này, dù đang trên giường bệnh, Ðại tá Nguyễn Ðức Hùng xúc động nhớ lại  những đồng đội của mình đã thông minh, quả cảm, sát cánh bên nhau làm nên những chiến công hiển hách trong cuộc kháng chiến thần kỳ chống đế quốc Mỹ xâm lược. Tại Hội thảo Kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Ðại tá  Tư Chu đến Hội trường Thành ủy dự, và rất cảm động khi trên hội trường nhiều tham luận nhắc đến tên tuổi những người  đồng đội đã sống chết với ông gần 30 năm, nay đã không còn. Ðó là những chiến sĩ của biệt động Thành đã làm nên những trận đánh vang dội như Tổng nha Cảnh sát, Bộ tổng Tham mưu ngụy Sài Gòn, Bộ Tư lệnh hải quân, Tòa Ðại sứ Mỹ, Sân bay Tân Sơn Nhất... Ðây là những trận đánh có một không hai trong lịch sử chiến tranh - kể cả trên thế giới - khi mà tác chiến chỉ vài ba chiến sĩ kiên trung của biệt động, mà họ đã đưa được cả xe hơi chở đầy thuốc nổ vào tận vị trí oanh kích, đánh sụp đổ những căn cứ mà người Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn canh gác, bố phòng đến tận "chân răng".

Ðại tá Tư Chu cho biết: Biệt động là một lực lượng bắt đầu từ trong dân, được dân nuôi chứa cho nên dù kẻ địch tung ra hàng nghìn điệp báo, mật thám cũng khó có thể phát hiện. Ðây là một đội quân đầy quả cảm, mưu trí, sáng tạo, được Quân khu Sài Gòn - Gia Ðịnh xây dựng từ trong kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ thì phát triển  thành một lực lượng không nhiều về số lượng, nhưng đầy tinh anh, am hiểu nhiều lĩnh vực.

Tại Sài Gòn, vùng nội đô khác hẳn các đô thị khác ở miền Nam. Do Sài Gòn là một thành phố lớn rất đông dân, mà địa hình nội đô thì nếu ai không quen địa hình, không am hiểu người dân Sài Gòn thì khó mà đứng chân được. Hơn nữa, dân Sài Gòn đã theo phía nào thì trung kiên tới cùng. Bởi thế mà có những người dân nội đô Sài Gòn trong kháng chiến dù khi địch phát hiện ra nơi nuôi chứa bộ đội biệt động, hay cất giấu vũ khí cho biệt động đánh cứ điểm, khi bị địch bắt vẫn một mực không bao giờ khai, trung kiên như những chiến sĩ biệt động Thành. Hành động cao cả của người dân Sài Gòn đối với những đồng đội của Ðại tá Tư Chu không gì đo đếm được.

Biệt động Sài Gòn là lực lượng đặc biệt, mà từ trong kháng chiến chống Pháp, Bộ Tư lệnh Miền cùng Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Ðịnh đã sớm nhận thức yêu cầu của công tác chiến đấu trong các nội đô là tạo ra chỗ đứng cả hợp pháp và bán hợp pháp trong lòng địch để tạo thế bất ngờ. Ðiều này các chuyên gia chiến tranh người Mỹ không thể tin và hiểu được, là tại sao một đội quân đầy tinh nhuệ như thế lại tồn tại ngay trong hang ổ sát nách các trung tâm đầu não của đế quốc Mỹ và bọn ngụy Sài Gòn.

Những chiến sĩ dũng cảm, đầy mưu trí, sáng tạo của Biệt động Sài Gòn như: Tư Tăng, Tư Ðen, Bảy Bê, Bảy Ðen, Hai Liên, Hồng Nga... dù ban ngày họ đóng vai người dân đi điều nghiên hay tìm những sơ hở các căn cứ Mỹ - ngụy thì đêm về họ mới thật sự là những người lính biệt động đầy sáng tạo, anh dũng. Do vậy các trận đánh vào Ðại sứ Quán Mỹ, Tổng Nha Cảnh sát, Bộ Tư lệnh Hải quân, cả dinh Ðộc Lập... từ những năm 1965 đến 1968 đều chưa một lần nào bị lộ, và cũng chưa bao giờ địch biết để đề phòng, đối phó. Chính vì thế, mà mỗi chiến thắng ta có được đều nhanh, nhạy, chắc thắng vì bảo đảm tốt yêu cầu  bí mật, bất ngờ. Tầm chiến lược, chiến thuật  của lực lượng Biệt động Sài Gòn là căn cứ vào tình hình, nhiệm vụ mà Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Ðịnh giao, để đào tạo ra con người, cách đánh đầy sáng tạo, thâm nhập thực tế cụ thể từng vấn đề, từng vị trí và cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với nhân dân. Ðó là một trong những yếu tố của chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện mà chỉ có thể rút ra được từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta. Người chỉ huy biệt động Sài Gòn mang tên Tư Chu năm xưa cũng không nằm ngoài những con người đặc biệt đó.

HÀ LAM