Trung tướng Nguyễn Bình sinh năm 1908, tên khai sinh là Nguyễn Phương Thảo, quê làng An Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ nhưng sống ở thành phố Hải Phòng. Thời trai trẻ ông tham gia khởi nghĩa Yên Bái, rồi bị thực dân Pháp đày đi Côn Ðảo; sau tiếp tục tham gia Việt Minh, chắp nối, xây dựng được nhiều thế trận vững chắc ở nhiều cơ sở cách mạng tại Hải Phòng, Chiến khu Ðông Triều (Trần Hưng Ðạo), Chiến khu Duyên Hải - Bắc Bộ và vào miền nam.
Ngày nước nhà vừa giành độc lập được ba tuần thì thực dân Pháp đã trở lại đánh chiếm Sài Gòn, từ 23-9-1945. Sau đó, chiến tranh lan ra khắp Nam Bộ. Tháng 10-1945, Bác Hồ không chọn ai khác mà giao cho chính "Thủ lĩnh đệ tứ chiến khu Ðông Triều" Nguyễn Bình vào nhận nhiệm vụ quan trọng này.
Những ngày đầu vào Nam Bộ là những ngày Bộ Tư lệnh Nam Bộ phải đấu tranh với biết bao gian khổ, nguy nan. Hiểu rõ những nỗi gian truân đó, khi vào đến Nam Bộ, Trung tướng Nguyễn Bình đã sát cánh cùng các tướng lĩnh miền nam như Tô Ký, Trần Văn Trà... để thống nhất các lực lượng vũ trang ở Nam Bộ và đồng cam, cộng khổ với các tướng lĩnh. Lực lượng vũ trang Nam Bộ được thống nhất thành một tên gọi mới là Giải phóng quân Nam Bộ - đặt dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam Bộ.
Tình hình chiến trường Nam Bộ ngày càng diễn biến phức tạp. Nhận được điện của Trung ương Ðảng và Bác Hồ, ngày 6-7 -1951, đoàn cán bộ Bộ Tư lệnh Nam Bộ lên đường ra Bắc báo cáo với Bác và Trung ương Ðảng những quyết sách mới ở Nam Bộ. Ðoàn do Tướng Nguyễn Bình dẫn đầu cùng 22 người kể cả bảo vệ, xuất quân từ Tân Uyên - Sông Bé - Chiến khu Ð. Dự tính, đoàn phải lội bộ trong rừng sáu tháng, sau đó đi qua đất Cam-pu-chia, rồi men theo biên giới Lào ra bắc. Tuy nhiên, mật vụ thực dân Pháp đã theo dõi rất kỹ chuyến đi. Sau này, trong cuốn Nhật ký của tướng Nguyễn Bình cho thấy, cả chuyến đi đầy gian lao và ai cũng trải qua những cơn sốt rét rừng hành hạ. Riêng ông là người bị sốt rét nặng nhất. Có những ngày sốt rét yếu quá, ông không thể lần bước được mà phải ở lại các buôn làng trên đất Cam-pu-chia.
Khi đó, đoàn đi qua các tỉnh Svây-Riêng, Pvay-Veng, Kra-Chie, Kôngpông-chàm... đoàn phải ngừng lại ở Phum Beek, (Cam-pu-chia) để chờ tin tức của đội trinh sát đi tiền trạm báo về. Ðợi cho tình hình yên tĩnh trên đoạn đường biên giới Cam-pu-chia, Lào đoàn sẽ vượt qua hạ Lào, dự định theo dọc đường biên giới đi ra Việt Bắc. Và bất ngờ, trưa 29-9-1951, một toán lính do một trung úy thực dân Pháp chỉ huy đi tuần ngang qua chỗ đoàn đang nghỉ đã nổ súng tiến công. Trung tướng Nguyễn Bình đã anh dũng hy sinh vào mùa thu năm 1951 trên đất bạn!
Một con người, một cuộc đời trong dông bão, hiểm nguy vẫn luôn kiên trung, hết lòng vì Tổ quốc; kể cả khi lãnh sứ mạng khó khăn trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Pháp lần hai. Nói như Giáo sư Trần Văn Giàu, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, đó là một vị tướng có cả tâm và cả tài trí cho Nam Bộ vào thời điểm cách mạng miền Nam những ngày đầu sau độc lập còn bao gian nguy. Còn Thượng tướng Trần Văn Trà đánh giá, Nguyễn Bình là một người cộng sản kiên trung, một tướng lĩnh quả cảm, nghĩa hiệp, giàu đức hy sinh, lòng dũng cảm và tài thao lược... Tên tuổi Nguyễn Bình luôn gắn liền với chiến khu Ðông Triều, Chiến khu Duyên hải Bắc Bộ, với Sài Gòn - Chợ Lớn, Ðông Nam Bộ, Nam Bộ. Công lao của đồng chí mãi mãi sáng ngời trên đài Tổ quốc ghi công. Trung tướng Nguyễn Bình đã được Ðảng, Nhà nước ta truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam và Huân chương Hồ Chí Minh.