Việc ra đời chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa là tín hiệu vui đối với người dân thành phố, nhất là những người làm nghệ thuật. Là một đô thị đặc biệt, một trung tâm kinh tế - văn hóa hàng đầu của cả nước, nhưng thời gian qua, ngành văn hóa của thành phố vẫn chưa phát triển xứng tầm với vị trí đang có. Không gian dành cho văn hóa ngày càng bị thu hẹp dẫn đến nghệ sĩ thiếu sân khấu biểu diễn hoặc phải thuê mướn địa điểm; nhiều tác phẩm nghệ thuật không có không gian trưng bày phải cất vào kho; các loại hình nghệ thuật truyền thống vẫn chưa được bảo tồn, phát huy hiệu quả; công tác đào tạo đội ngũ kế thừa trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đang gặp nhiều bất cập...
Những thực tế đáng báo động đó đã được đem ra bàn luận, phân tích trên nhiều diễn đàn trong thời gian qua, cho thấy thành phố cần có những giải pháp cấp bách để vực dậy ngành văn hóa. Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa mà thành phố đang xây dựng sẽ như một “cú huých”, thúc đẩy ngành văn hóa phát triển có định hướng và xứng tầm. Trong đó, phải phát huy đến mức cao nhất nội lực của thành phố về văn hóa, thúc đẩy được sức sáng tạo của người nghệ sĩ, bảo đảm đời sống cho đội ngũ văn nghệ sĩ, và phải tạo được không gian văn hóa mang mầu sắc thành phố. Thành phố có thể học tập kinh nghiệm phát triển văn hóa ở các thành phố lớn trong khu vực và thế giới, nhưng không áp dụng rập khuôn mà phải biết chọn lọc, phát huy những nét đặc trưng của thành phố. Vì thế, xây dựng được hình ảnh văn hóa của một thành phố trẻ, năng động, hiện đại, kết hợp phát huy hiệu quả hệ thống di sản, nghệ thuật truyền thống của thành phố ở một tầm cao hơn. Bên cạnh đó, cần xây dựng được những địa chỉ văn hóa hoạt động hiệu quả, phục vụ mọi tầng lớp nhân dân.
Xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa không chỉ là việc của riêng ngành văn hóa, mà còn cần sự gắn kết hài hòa giữa các ngành khác, huy động được mọi nguồn lực để có thể triển khai một cách hài hòa, đồng bộ. Có thế, TP Hồ Chí Minh mới phát triển được ngành công nghiệp văn hóa tương xứng với một đô thị sôi động, một trung tâm kinh tế - văn hóa lớn nhất cả nước.
Cần chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa phù hợp
Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó tập trung vào các ngành điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh - triển lãm, quảng cáo và du lịch văn hóa.