Kỳ bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở Nam Kỳ

NDO - Vào năm 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc trong những năm tháng hoạt động tại nước ngoài đã thành lập ra Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội - tổ chức có tính chất quá độ cho sự ra đời các tổ chức cộng sản ở trong nước của Việt Nam. Sau đó chính Người đã trực tiếp mở các lớp huấn luyện chính trị tại Quảng Châu, nhằm đào tạo ra nhiều lớp cán bộ từ thanh niên trẻ tuổi làm đội ngũ cán bộ tương lai cho Ðảng ta sau này khi Ðảng ra đời. 

 Ðối với Sài Gòn và Nam Kỳ, tháng 10 - 1926, sau khi dự xong các lớp huấn luyện chính trị tại Quảng Châu, hai đồng chí Phan Trọng Bình và Nguyễn Văn Lợi được cử về Sài Gòn để chuẩn bị cho sự thành lập Kỳ bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở Nam Kỳ. Và những ngày cuối năm 1926 sau những ngày chuẩn bị, Kỳ hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội Nam Kỳ đã ra đời tại trung tâm Sài Gòn. Sau khi tiếp nhận tổ chức Công hội đỏ của đồng chí Tôn Ðức Thắng, số hội viên của Kỳ bộ Nam Kỳ lên đông, Kỳ bộ Lâm thời được thành lập do đồng chí Phan Trọng Bình làm Bí thư. Lúc này Kỳ bộ tiếp tục cử người sang Quảng Châu để tiếp thu các lớp chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mở, đồng thời đã mở các lớp huấn luyện cán bộ ngắn ngày để bổ sung cho các tỉnh Nam Kỳ bắt đầu thành lập các tổ chức cách mạng của Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội.

 Ðầu năm 1928, Kỳ bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội Nam Kỳ tổ chức đại hội tại phòng 5 khách sạn Tân Hòa, đại lộ Bonard, nay là phòng 5 nhà số 88 đường Lê Lợi, phường Bến Thành, quận I - TP Hồ Chí Minh. Ðại hội đã bầu ra Bí thư chính thức của Kỳ bộ Nam Kỳ là đồng chí Phan Trọng Bình. Tại Sài Gòn - Chợ Lớn và một số tỉnh Nam Kỳ đã thành lập nên tỉnh bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội.

Sau khi có tổ chức chính thức của Kỳ bộ tại Nam Kỳ, tạp chí "Bôn-sơ-vích" và báo "Công-Nông-Binh" đã ra đời để tuyên truyền cho chủ trương cách mạng của tổ chức này. Thực hiện chủ trương vô sản hóa, các hội viên Thanh niên đồng chí Hội đã tình nguyện đi vào các nhà máy, bến cảng làm công nhân, phu khuân vác, kéo xe... để thâm nhập vào quần chúng và cũng là để tự giác ngộ. Tháng 3-1929, thi hành chỉ thị của Tổng hội, Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội Nam Kỳ đã bầu Kỳ bộ mới, Bí thư lúc này là đồng chí Phạm Văn Ðồng.  

Qua một thời gian dài hoạt động liên tục trong phong trào công nhân ở Sài Gòn - Chợ Lớn, Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội Nam Kỳ đã chuẩn bị đủ điều kiện để hình thành tổ chức Ðảng Cộng sản ở Nam Kỳ. Vì thế, sau khi đại hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở Hồng Công (Trung Quốc) được tổ chức và chuẩn bị cho hợp nhất ra đời Ðảng Cộng sản Việt Nam, thì Kỳ bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở Nam Kỳ đã trở thành An Nam Cộng sản Ðảng. Và sau đó cùng với Ðông Dương Cộng sản Ðảng ở miền bắc, Ðông Dương Cộng sản Liên đoàn ở miền trung ngày 3-2-1930 tại Cửu Long - Hương Cảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc  chủ trì hội nghị hợp nhất thành lập ra Ðảng Cộng sản Việt Nam.

Tuy hoạt động trong hơn hai năm, song từ sự chuẩn bị về cán bộ và  tư tưởng để chuẩn bị cho sự ra đời tổ chức Ðảng đầu tiên ở Nam Kỳ, đánh dấu sự trưởng thành phong trào cách mạng ở Nam Kỳ và Sài Gòn - Chợ Lớn những năm Ðảng ta chưa ra đời. Di tích phòng số 5, nhà số 88 - Lê Lợi - quận I đã được Bộ Văn hóa Thông tin (cũ) công nhận là Di tích lịch sử theo Quyết định số 1288 - VH/QÐ ngày 16-11-1988 và là nơi đầu tiên tổ chức đại hội Kỳ hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở Nam Kỳ.