Từ khi chưa đầy 22 tuổi, bà Ngô Thị Huệ (tên thật là Ngô Thị Ngỡi), sinh năm 1918, tại làng Mỹ Qưới, huyện Phước Long, tỉnh Sóc Trăng, đã tham gia hoạt động nhiều địa bàn và 22 tuổi, bà là Phó Bí thư
Tỉnh ủy Vĩnh Long, tham gia lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ngày
23-11-1940. Người phụ nữ ấy có một quá trình hoạt động thật kiên cường, và bà đã nhiều lần bị địch bắt, bị kết án tù chung thân khổ sai sau khi cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ tại đây bị dìm trong biển máu.
Năm 1945, trong Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta vùng lên giành chính quyền. Sau đó, bà được thoát khỏi nhà tù trở lại quê hương hoạt động. Trong hoàn cảnh ấy, ngày tổng tuyển cử đầu tiên của dân tộc, bà đã giành được những lá phiếu từ những bà mẹ buôn gánh bán bưng, những nữ dân quân... Nhớ về hình ảnh những người mẹ nghèo khổ tự tay bỏ lá phiếu cho mình, bà nói: Tôi nhớ mãi hình ảnh của những bà mẹ mua gánh bán bưng ngoài chợ đã viết tên tôi trên những tấm lá chuối hay giấy gói hàng chuyển cho người khác. Những bà mẹ cổ động mọi người bỏ phiếu cho tôi bằng những dòng chữ nguệch ngoạc. Làm sao tôi có thể quên đến giờ dầu đã hơn 90 tuổi... Và tại khóa đầu tiên của Quốc hội sau khi nước ta có tên trên bản đồ thế giới, bà là một trong số 10 nữ đại biểu trẻ.
Ðến năm 29 tuổi, bà lập gia đình. Người bạn đời mà bà đã chọn lại chính là người đồng chí đã cùng hoạt động, cả khi trong tù - là Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Ðịnh lúc đó, đồng chí Mười Cúc (từ Ðại hội VI là Tổng Bí thư của Ðảng ta, Nguyễn Văn Linh).
Do hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, lâu dài, nên năm 1959 bà đưa các con ra Hà Nội vừa công tác, vừa lo toan gia đình khi chồng bà tiếp tục ở lại lãnh đạo tại Thành ủy Sài Gòn - Gia Ðịnh đầy ác liệt trong cảnh chiến tranh ở miền nam. Họ đã chịu cảnh xa cách nhau đúng 15 năm. Là Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ thuộc Ban Tổ chức T.Ư Ðảng, bà cũng như bao nhiêu người phụ nữ khác, phải gánh vác bao gian khổ, nhọc nhằn thời chiến tranh phải chịu đựng xa chồng, một mình vừa nuôi con, vừa tham gia công tác.
Vào đúng tuổi về hưu, bà về nghỉ tại TP Hồ Chí Minh, nhưng vẫn không quản ngại đi vận động cho phong trào phụ nữ, khi Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam yêu cầu. Và thế là bà cùng với 11 cô, các chị phụ nữ Nam Bộ, để thành lập ra Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ. Từ đây, bà đã dồn nhiều công sức xây dựng nên cơ ngơi khang trang của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ ngày nay. Tại đó cũng là nơi ghi nhận bao công lao của lớp lớp phụ nữ Nam Bộ Anh hùng đã cống hiến, hy sinh cho Ðảng, cho Tổ quốc có ngày độc lập như hôm nay. Cùng với những nhiệm vụ quan trọng đó, sau ngày về hưu, bà có mặt và đóng góp công sức lớn của mình trong nhiều chương trình từ thiện, là người đã có công vận động để lập ra Bệnh viện miễn phí An Bình (nay thuộc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh).
Vì công lao đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, vì tấm lòng đối với đồng bào trong việc đền ơn đáp nghĩa, làm sống dậy quá khứ hào hùng của phụ nữ Nam Bộ Anh hùng, cuối năm 1997, bà cùng năm nữ cán bộ cách mạng lão thành của TP Hồ Chí Minh trong Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ đã được Nhà nước phong tặng Huân chương Lao động hạng nhất. Bà cũng được tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý khác của Ðảng, Nhà nước.
Giản dị mà dễ gần, bao dung và nhân hậu, khi Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP Hồ Chí Minh được Thành ủy, UBND thành phố cho thành lập năm 1994, bà là một trong những vị lão thành cách mạng đầu tiên tại thành phố đã tham gia và tự mình không quản tuổi cao, đi vận động các nhà hảo tâm, cùng góp công sức, tiền bạc, thuốc men, vận động các bác sĩ nổi tiếng đi cùng để chăm lo cho các cụ già nghèo, neo đơn, các trẻ em nghèo bất hạnh của thành phố và trên cả nước.
Bà Ngô Thị Huệ (cô Bảy Huệ - như chị em ở Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ thường gọi) chính là một hình ảnh đầy thuyết phục, cao cả cho những người phụ nữ thành phố và phụ nữ Việt Nam noi theo, để nhìn lại chính mình trong cuộc sống gia đình và xã hội, nhân 102 năm Ngày quốc tế Phụ nữ 8-3.