Sức mạnh và niềm tin từ khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam ra đời

NDO - Cách đây 51 năm, ngày 20-12-1960, tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành (Tây Ninh), với sự có mặt của đông đảo đại biểu các giai cấp, các dân tộc, đại diện các tôn giáo, đảng phái ở miền nam, Ðại hội thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng (MTDTGP) miền nam được tổ chức, đánh dấu mốc son quan trọng trong ý chí đại đoàn kết dân tộc của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ðối với Sài Gòn - Gia Ðịnh  - Chợ Lớn, sự kiện này càng làm cho ý chí sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc trở thành điểm nhấn quan trọng để làm nên các phong trào yêu nước rộng rãi trong lòng dân.

Ðể tập hợp đông đảo các tầng lớp trí thức và nhân sĩ cùng tham gia các phong trào lực lượng yêu nước, Bản Tuyên ngôn và chương trình 10 điểm được thông qua tại Ðại hội vạch ra cương lĩnh cho cách mạng miền nam. Mục tiêu đấu tranh của Mặt trận cô đúc lại một cách thật ngắn gọn, dễ nhớ và dễ hiểu.

Ðể đi tới thành lập MTDTGP miền nam đã quy tụ các ủy viên đều là những trí thức, nhân sĩ tiêu biểu, nổi tiếng trong lực lượng trí thức miền nam lúc đó như: Nguyễn Thị Bình (tự Yến Sa) (Phó Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền nam Việt Nam), dược sĩ Hồ Thị Chu, bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu, Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ, Như Sơn (tức Michel Văn Vỹ), kỹ sư Lê Văn Thả, Giáo sư Nguyễn Ngọc Thưởng, Trần Hữu Trang, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Vũ Tùng, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tứ (tức Nguyễn Hữu Ba)... Ðây là những trí thức đã gắn bó nhiều năm liền trong các phong trào cách mạng ở nội đô Sài Gòn cũng như các vùng tạm chiếm đóng của Mỹ - ngụy ở ngoại thành Sài Gòn, cùng các đô thị tại  các tỉnh ở miền nam đang còn trong vòng kìm kẹp của Mỹ - ngụy.

Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch MTDTGP miền nam, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ cùng những trí thức, nhân sĩ tiêu biểu, ngay đầu năm 1961, một số tổ chức yêu nước cũng đã ra đời tại miền nam, như: ngày 9-1-1961, hai tổ chức Hội Liên hiệp Thanh niên Giải phóng, với Chủ tịch Hội là Trần Bạch Ðằng và Hội Liên hiệp Thanh niên Học sinh, với Chủ tịch Hội là Trần Bửu Kiếm ra đời. Ngày 20-2-1961, Hội Nông dân Giải phóng, Chủ tịch Hội là Nguyễn Hữu Thế; Ngày 8-3-1961, Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng, Chủ tịch Hội là Nguyễn Thị Tú (về sau là Nguyễn Thị Ðịnh); Ngày 27-4-1961, Hội Lao động Giải phóng sau đổi tên là Liên hiệp Công đoàn Giải phóng, Chủ tịch Hội là Phạm Xuân Thái; Ngày 1-7-1961, Ðảng Xã hội cấp tiến miền nam, do Tổng Thư ký Nguyễn Văn Hiếu đứng đầu. Như vậy, sự đoàn kết đấu tranh đã quy tụ tất cả lực lượng công - nông - thanh - phụ... cũng như đồng bào các dân tộc, tôn giáo cả miền nam cùng hướng về mục tiêu đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất đất nước sau khi MTDTGP miền nam ra đời.  

Ðối với Khu Sài Gòn - Gia Ðịnh, lễ ra mắt Ủy ban MTDTGP Khu Sài Gòn được tổ chức trọng thể ở xã Phú Mỹ Hưng (Củ Chi) vào sáng 19-3-1961. Những người lãnh đạo Ủy ban MTDTGP Khu Sài Gòn - Gia Ðịnh đầu tiên có kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát là Chủ tịch; kỹ sư Lê Văn Thả là Phó Chủ tịch. Ðây là những trí thức lớn, có uy tín trong các tầng lớp trí thức và các nhân sĩ tại Sài Gòn - Gia Ðịnh. Trong lễ ra mắt, điều chưa xảy ra từ trước đến nay là nhiều giới đồng bào từ trong nội thành đã qua mắt địch đã đến Củ Chi tham gia, trong đó có những trí thức, nhân sĩ, các doanh nhân yêu nước hoạt động từ trong nội thành Sài Gòn đã vượt qua bao vòng vây của Mỹ - ngụy đến dự lễ ra mắt của UBMTDTGP Khu Sài Gòn - Gia Ðịnh.

Ngay sau MTDTGP Khu Sài Gòn - Gia Ðịnh ra đời, Ban Trí vận - Mặt trận đã được thành lập gồm chủ yếu là các trí thức, nhân sĩ để chịu trách nhiệm vận động các đối tượng trí thức, tôn giáo, giáo chức, tư sản dân tộc ở Sài Gòn. Từ yêu cầu của tình hình mới, MTDTGP miền nam chủ trương xuất bản tờ tạp chí lấy tên là "Trí thức mới" và bản tin "Sài Gòn vùng lên" nhằm đăng tải các tin tức về cuộc kháng chiến, công cuộc xây dựng ở miền bắc, các quan điểm của Mặt trận về các vấn đề trong nước, nhất là ở miền nam và với bạn bè quốc tế. Ðây là những đề tài được quan tâm nhiều vào lúc bấy giờ, vừa thông tin, vừa là tài liệu cho các trí thức, nhân sĩ trong Ban Trí vận - Mặt trận lấy làm cẩm nang tuyên truyền cho nhân dân về các chủ trương, chính sách lớn của MTDTGP miền nam.

Tạp chí "Trí thức mới" và bản tin "Sài Gòn vùng lên" do GS Lê Văn Huấn, Chủ tịch Hội Nhà giáo yêu nước Sài Gòn - Gia Ðịnh làm Chủ nhiệm và ông Dương Văn Lễ làm Chủ bút kiêm Thư ký Tòa soạn đã cho đăng tải nhiều tác phẩm có nội dung phục vụ ngay cho các phong trào đấu tranh tại Sài Gòn - Gia Ðịnh. Với các cộng tác viên thường xuyên gửi bài, góp ý cho Tạp chí là các nhà báo tiêu biểu như: Trần Bạch Ðằng, Lưu Hữu Phước, Sáu Cầm, Tô Bửu Giám, Thanh Nam, Sáu Nhân (Hồng Ðiểu) và một số cán bộ ở Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Ðịnh... Tạp chí lúc đầu in bằng ty-pô hoặc rô-nê-ô dày 100 trang khổ 13 cm x 18 cm, mỗi lần in 400 đến 500 bộ, được Ban Biên tập ngụy trang kỹ nhằm đưa vào nội thành qua mắt Mỹ - ngụy Sài Gòn.

Có thể nói, dưới ngọn cờ chính nghĩa của MTDTGP miền nam và MTDTGP Khu Sài Gòn - Gia Ðịnh suốt 15 năm từ khi thành lập đến ngày miền nam giải phóng, các phong trào vận động trong nhân dân, trí thức đã kết thành một sức mạnh rộng lớn, tập hợp đông đảo các tầng lớp, không phân biệt tôn giáo, đảng phái cùng vì một mục tiêu đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất nước nhà. Từ các phong trào này, đã làm cho Mỹ - ngụy phải bị động, luôn luôn tìm cách đối phó. Ðây là những nền tảng đi đến Xuân Mậu Thân 1968 và cao nhất là Ðại thắng mùa Xuân 1975 - viết nên những trang sử vàng chói lọi giải phóng Sài Gòn - Gia Ðịnh và giải phóng hoàn toàn miền nam thống nhất đất nước.

HÀ THÀNH