Những ngày đầu xuân và tháng 4-1975 lịch sử là những ngày mà người lính tình báo của lưới H.63 hoạt động ngay tại trung tâm đầu não ngụy quyền Sài Gòn. Họ có nhiệm vụ hết sức tối mật, nhưng phải tìm ra được câu trả lời cho lãnh đạo của Trung ương Ðảng và Bộ Quốc phòng: Quan điểm của Mỹ đối với chính quyền Sài Gòn lúc đó thế nào? Các nhà tình báo phải hoạt động hết sức căng thẳng, để sớm tìm ra những lý do của việc chuyển quyền từ Thiệu sang Hương, rồi sang tướng Minh. Cách can thiệp của Mỹ, các nước thế nào?... Là người chỉ huy, Ðại tá Nguyễn Văn Tàu đã phải nắm kỹ những hoạt động của các tướng, tá Mỹ cũng như bộ máy tay chân thân tín của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu trong những ngày cuối cùng này của chế độ Sài Gòn, nhất là để thấy vai trò của Mỹ đến ngày tận thế ngay tại đầu não Sài Gòn như thế nào?
Trong căn nhà bình dị tại một con hẻm ở phường 25 quận Bình Thạnh, Ðại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Tàu kể: Trước đó, Bộ Chính trị và Quân ủy T.Ư yêu cầu tình báo phải trả lời, nếu ta đánh mạnh, Mỹ có trở lại không? Những người làm trong ngành tình báo Việt Nam đã trả lời Bộ Chính trị và Quân ủy T.Ư bằng cách gửi nguyên văn một bức điện mật của Tổng thống G.Ford - Hoa Kỳ gửi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ngay khi Thiệu còn chưa bỏ chạy. Bức điện chỉ ngắn gọn: "Chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam chấm dứt rồi!". Ðể có bức điện mật này là nhờ công lao lớn của một thượng sĩ quân đội Sài Gòn - thư ký tại văn phòng Ðại tướng Cao Văn Viên. Ðây cũng là người của lưới tình báo H.63 cài vào đang làm việc tại văn phòng Bộ Tổng Tham mưu ngụy quyền Sài Gòn. Ðó là Anh hùng LLVTND - Ðại tá Nguyễn Văn Minh.
Sáng sớm ngày 29-4-1975, những quân đoàn của Quân giải phóng hùng mạnh, với 16 sư đoàn đang tiến vào áp sát, bao vây tất cả bốn hướng của đô thành Sài Gòn. Những loạt pháo lớn, chính xác đã mở những đợt tập kích dữ dội vào các đường băng của phi trường Tân Sơn Nhất và Bộ Tư lệnh hành quân ngụy quyền. Nhiều đường băng đã bị Quân giải phóng phong tỏa, máy bay không thể cất cánh khỏi sân bay Tân Sơn Nhất.
Vòng vây của Quân giải phóng càng lúc càng siết chặt, nhất là vào chiều tối 29-4 và sáng 30-4. Nỗi sợ hãi của những nhân viên Ðại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn càng lúc càng lên đến tột độ. Ðội bảo vệ của Ðại sứ Mỹ, cùng với bốn đội PPSU (các đội di tản) lúc này đang tỏa ra khắp thành phố để tìm, đón các gia đình sĩ quan, mật vụ Mỹ, nhất là các tướng lĩnh và gia đình tướng lĩnh ngụy quyền Sài Gòn xin đi di tản.
Sáng 30-4, các loại pháo lớn của Quân giải phóng miền Nam tiếp tục uy hiếp các cứ điểm chính trung tâm Sài Gòn. Phi trường Tân Sơn Nhất sáng 30-4 đã bị khống chế hoàn toàn bằng các loạt pháo lớn 122 mm của bộ đội ta. Bên ngoài tòa Ðại sứ Mỹ, có khoảng 5.000 người đang vây kín các bức tường tìm cách leo vào trong để trốn chạy, di tản. Lính thủy đánh bộ trấn thủ trên bờ tường chính, xô đám đông trở lại dưới sự hỗ trợ của các họng súng máy được bố trí ở các góc trên các tầng thượng. Tổng quân số lính thủy Mỹ còn lại đến ngày cuối cùng 30-4 trong tòa Ðại sứ Mỹ là 65 người. Tất cả đều cố sức ngăn cản dòng biển người là những tướng tá Mỹ và gia đình của họ đang cố gắng vượt hàng rào tòa Ðại sứ Mỹ để đi di tản. Một không khí đầy hỗn loạn trên nóc tòa Nhà đại sứ Mỹ và các tàu chiến Mỹ ở ngoài khơi sáng 30 - 4.
Cũng trong sáng 30-4-1975, các sĩ quan tình báo của ta còn chốt giữ lại trong Dinh Ðộc Lập và các nơi trung tâm, phải rà lại nắm thật chắc nhiều thông tin, xử lý nhiều vấn đề hệ trọng để khẩn cấp báo cáo các hướng phải tập trung truy kích ngay, mở đường cho đại quân ta vào các căn cứ đầu não tại Sài Gòn. Từ sáng sớm, các cánh quân ta đã áp sát hơn tới trung tâm Sài Gòn. Ðúng 6 giờ sáng 30-4, đoàn xe tăng bảy chiếc với 75 chiến sĩ đi đầu của đại đội 7, tiểu đoàn 2, trung đoàn 141, sư đoàn 7 thuộc Quân đoàn 4 đã từ Hố Nai bắt đầu hành quân tiến thẳng về Sài Gòn. Sau 8 giờ băng qua các chướng ngại vật, kể cả phải tiêu diệt hai xe bọc thép ngụy Sài Gòn ra cản đường, đại đội 7 vượt qua được cầu Cát Lái (quận 2 trên xa lộ Hà Nội nay), thẳng hướng về Sài Gòn. Cùng lúc đó là đại đội 4, Lữ đoàn xe tăng 203, của Quân đoàn 2 do Thiếu tướng, Tư lệnh Nguyễn Hữu An chỉ huy, cũng nhằm hướng Dinh Ðộc Lập. Vòng vây càng khép chặt và 11 giờ 30 phút, lá cờ giải phóng đã tung bay hiên ngang trên Dinh Ðộc Lập - cơ quan đầu não Chính quyền Sài Gòn.
Sài Gòn nói riêng và toàn miền nam nói chung được giải phóng. Thế và lực của mùa xuân 1975 như dồn trên bao sức mạnh vô biên của Quân đội và nhân dân Việt Nam Anh hùng trước mỗi mùa xuân. Ðể có một Sài Gòn được giải phóng vào mùa xuân 37 năm trước, biết bao anh hùng, liệt sĩ, nhân dân đã dũng cảm, hiên ngang và nằm lại trên mảnh đất này. Xuân Nhâm Thìn về, chúng ta càng ghi nhớ ơn sâu đó. Có họ mới có một TP Hồ Chí Minh to đẹp, đàng hoàng, văn minh, hiện đại như ngày nay.
Bài và ảnh: HỒNG LAM