Chiến tuyến đôi bờ không cách biệt
Nhớ lại những ngày tháng đấu tranh lâu dài, quyết liệt tại Hội nghị Pa-ri về Việt Nam, đồng chí Dương Ðình Thảo, phát ngôn viên chính thức của phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nhớ rõ: Lúc đó, hai đoàn của ta đấu tranh quyết liệt hằng ngày, có khi đến đêm với phái đoàn Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn tại Pa-ri, mỗi lần đấu lý thì đoàn Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn thường rất lật lọng trước những chứng cứ của hai phái đoàn ta đưa ra. Ðó là điều hai phái đoàn ta thường rất khó tìm chứng cứ để buộc tội những hành động vi phạm nhân quyền của Mỹ - ngụy, khi chúng đang đi vào cao điểm chiến dịch Việt Nam hóa chiến tranh do R.Ních-xơn vạch ra. Hằng ngày, trên vùng đất Nam Bộ, chúng đã tàn sát đồng bào ta ở ngay Sài Gòn và các tỉnh Nam Trung Bộ, Nam Bộ.
Chủ trương sử dụng Bưu điện Sài Gòn để chuyển báo chí công khai in ấn tại Sài Gòn của chế độ Sài Gòn xuất phát từ ý tưởng và đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trần Bạch Ðằng, Bí thư Khu ủy Sài Gòn lúc đó.
Vậy là từ đầu năm 1969 trở đi, trên bàn đàm phán Pa-ri, có một nguồn thông tin chính thức hằng ngày có lợi trực tiếp cho hai phái đoàn đàm phán của ta, đó là những chuyến thư được T.Ư Cục miền Nam và Khu ủy Sài Gòn bố trí chuyển công khai bằng máy bay từ sân bay Tân Sơn Nhất đến thẳng Thủ đô Pa-ri của nước Pháp. Và người thực hiện sự chỉ đạo đó bây giờ vẫn còn khỏe mạnh, hiện đang sống tại quận 3, dù đã hơn 75 tuổi. Ðó là cô Trần Thị Ngọc Sương, một cán bộ hoạt động bí mật đơn tuyến của Khu ủy Sài Gòn - Gia Ðịnh trong nội tình của ngành giao bưu chế độ Sài Gòn trước năm 1975.
Bí mật đơn tuyến của phụ nữ Sài Gòn
Việc mua báo, chọn loại báo, cử ai đóng vào bưu phẩm ở bên ngoài Bưu cục Trung tâm Sài Gòn, cho đến khâu ai được đưa và nhận bưu phẩm gửi ở quầy (ghichet) của Bưu điện Trung tâm Sài Gòn qua Trung tâm khai thác vận chuyển (Transmission), đến khâu thư đi (Départ), phải qua bao nhiêu khâu kiểm tra, kiểm soát của tình báo Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn tại Bưu cục trung tâm. Sau khi qua các thủ tục thông thường theo Luật Bưu chính quốc tế, các chuyến hàng "đặc biệt" kia được công khai lên máy bay đến Pa-ri không quá cảnh một nước thứ ba nào.
Từ bưu phẩm đi, đến hằng ngày, các địa chỉ đỏ này lại chọn lọc lần nữa và các thông tin quý giá được chuyển ngay đến nơi ở của hai phái đoàn ta do đồng chí Lê Ðức Thọ làm Trưởng đoàn, đồng chí Xuân Thủy và Nguyễn Thị Bình là Trưởng đoàn Ngoại giao của hai đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam để đấu trí trực tiếp với các luận điệu ngoan cố, xuyên tạc của hai đoàn Mỹ, do ngoại trưởng Mỹ TS H.Kít-xinh-giơ và ngụy quyền Sài Gòn do ngoại trưởng Trần Văn Lắm dẫn đầu tại Hội nghị Pa-ri. Thế là những thông tin của chế độ Sài Gòn cho công khai đã được đưa đến một cách nhanh chóng, kịp thời, tất cả đều bằng giấy trắng mực đen rõ ràng, in và phát hành công khai tại Sài Gòn, có cả hình ảnh các báo Sài Gòn công khai... ngày trước in xong ở Sài Gòn, ngày sau đã có mặt trên bàn cuộc họp của hai phái đoàn ta tại Pa-ri.
Và theo đồng chí Dương Ðình Thảo, khi hai phái đoàn ta đưa những chứng cứ công khai đó ra, "chúng đứng lưỡi, không chống chế vào đâu được về những nạn nhân chiến tranh, những tội ác, những trận bom càn phá, giết hại nhân dân mà đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn đang gây ra hằng ngày ở Việt Nam, nhất là các vùng tạm chiếm miền nam".
Gần cuối Hội nghị Pa-ri, chủ trương của Khu ủy Sài Gòn - Gia Ðịnh và đồng chí Trần Bạch Ðằng, chỉ đạo các chị em bổ sung các nguồn tư liệu khác phong phú hơn nữa để phục vụ hội nghị. Cứ thế hơn ba năm trời hoạt động theo dạng đơn tuyến, các chị em trong ngành Bưu điện tại Trung tâm Sài Gòn và các anh trong nhóm bí mật ở Bưu điện Trung tâm Sài Gòn đã chuyển tải những thông tin quý giá đó, làm vũ khí cho hai phái đoàn ta đánh thẳng vào những mưu mô, hành động lật lọng của phái đoàn Mỹ-ngụy, góp phần vào thắng lợi của hội nghị. Hiệp định Pa-ri về Việt Nam và Ðông Dương được ký kết vào ngày 27-1-1973.