Những năm sau ngày Ngô Ðình Diệm lên nắm chính quyền Sài Gòn, tình hình đàn áp các giới, các tôn giáo đã như thành "cơm bữa" tại miền nam. Gần 50 năm trước, khoảng 9 giờ ngày 25-8-1963, hơn 5.000 sinh viên, học sinh đang biểu tình trước Công viên Diên Hồng, nơi cổng chính chợ Bến Thành - Sài Gòn để phản đối chính sách đàn áp dã man với các tôn giáo, trong đó có bà con theo đạo Phật tại miền nam. Tại cuộc biểu tình đó, có một nữ sinh Sài Gòn trong số hàng nghìn phật tử tham gia đấu tranh phản đối chính sách đàn áp của chính quyền Mỹ - Diệm.
Cuộc biểu tình tại trung tâm Sài Gòn do Ủy ban chỉ đạo học sinh liên trường lãnh đạo, nhằm chống lại quy định "thiết quân luật" của chính quyền Sài Gòn bạo ngược, đi ngược lại lợi ích quốc gia. Sáng đó, khi cuộc biểu tình vừa mới bắt đầu, nhóm sinh viên, học sinh đang giăng một biểu ngữ trước nhà hàng Hòa Bình thì bị lực lượng cảnh sát chiến đấu và mật vụ của đám Diệm - Nhu tràn đến ngăn chặn, đàn áp, đánh đập không từ một ai. Khí thế càng dâng cao, chúng không đàn áp được làn sóng biểu tình đang dâng tràn mạnh mẽ, tức thì một phó trưởng bót ngụy quyền, tên là Lê Văn Kem đã rút súng bắn loạn xạ vào đoàn biểu tình. Một viên đạn ác nghiệt ấy đã trúng vào cô nữ sinh Quách Thị Trang trong đoàn biểu tình, lúc đó 16 tuổi. Cô hiên ngang ngã xuống, để lại sự tiếc thương và cảm phục đối với sinh viên và bà con phật tử.
Quách Thị Trang sinh ngày 4-1-1948, tại làng Cổ Khúc, huyện Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình. Năm 1954, trong cuộc di cư vào nam lập nghiệp, sáu anh chị em trong gia đình vào ở vùng Chí Hòa - Sài Gòn, riêng cha chị kẹt ở lại và khoảng ba tháng sau thì gia đình hay tin ông đã qua đời. Gặp cảnh nhà khó khăn, nhưng chị em Trang được người mẹ đảm đang thu xếp, lo cho được học hành chu tất. Chị là nữ sinh của Trường Nguyễn Khuyến, đồng thời sinh hoạt trong gia đình phật tử Minh Tâm, pháp danh là Diệu Nghiêm, cho nên chị am hiểu những cảnh đời bị chính sách tôn giáo của nhà cầm quyền ngăn cấm giới tôn giáo, mà bà con phật tử là một trong những đối tượng đàn áp tàn nhẫn của Diệm - Nhu.
Cái chết của chị Quách Thị Trang đã gây phản ứng uất hận trong quần chúng nhân dân, nhất là trong giới phật tử, học sinh, sinh viên ở Sài Gòn. Từ đó, cao trào chống chính quyền họ Ngô ngày càng dâng cao. Chỉ ba tháng sau, ngày 1-11-1963, Mỹ đã phế truất chính quyền Ngô Ðình Diệm. Ngay sau cuộc đảo chính tại Sài Gòn, người dân Sài Gòn bắt đầu gọi nơi đây là Quảng trường Quách Thị Trang để tôn vinh người nữ sinh đã ngã xuống (thay cho tên gọi lúc đó là Công viên Diên Hồng).
Ðầu tháng 8-1964, để tưởng nhớ Quách Thị Trang, Hội Sinh viên học sinh Sài Gòn do anh Vũ Quang Hùng là trưởng ban, đã tổ chức quyên góp để tạc tượng chị, và bức tượng được dựng gần nơi chị ra đi, tức ngay bùng binh, kề bên tượng đài danh tướng Trần Nguyên Hãn, trước cửa chính chợ Bến Thành - Sài Gòn.
Sau ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, thể theo nguyện vọng nhân dân, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã công nhận chị Quách Thị Trang là liệt sĩ và nơi chị hy sinh cũng đã được chính thức mang tên Quảng trường Quách Thị Trang, trung tâm của quận I, nơi trước mặt cửa chính chợ Bến Thành - trung tâm thương mại, văn hóa có gần 100 năm tuổi.
Trong lịch sử đấu tranh của dân tộc ta, từ trong những thời khắc lịch sử đã ghi tên những người đã hiên ngang ra đi vì Tổ quốc, trong đó có người nữ sinh có cái chết cao cả của mình cho nghĩa lớn - sự nghiệp đấu tranh chống bạo tàn. Tưởng nhớ đến chị - lớp trẻ thanh niên, sinh viên, học sinh Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh hôm nay, đã nêu gương chị, phát huy truyền thống yêu nước, để xây dựng thành phố này ngày càng đàng hoàng, to đẹp hơn.