Theo Trung tâm Bảo tồn Di sản TP Hồ Chí Minh, trụ sở Báo Dân Chúng lúc ra đời là căn nhà phố trệt, có bề rộng tám mét, chiều sâu 23,6 mét, mái lợp ngói âm dương, tường gạch, nền lót gạch bông, trong có gác lửng bằng gỗ.
Năm 1938, hòa trong phong trào Mặt trận Bình dân, Báo Dân Chúng của Ðảng Cộng sản Ðông Dương ra đời. Lúc này tại Pháp, phong trào Mặt trận Bình dân do Ðảng Cộng sản Pháp làm nòng cốt đang có thế mạnh để phát triển ra cả các thuộc địa Pháp, do đó thời gian này, chính sách của Pháp đối với thuộc địa có sự thay đổi. Ðảng Cộng sản Ðông Dương đã nhân cơ hội này, cho ra một số cơ quan ngôn luận để qua đó tuyên truyền đường lối cách mạng của Ðảng. Vào những năm này, Trung ương Ðảng, trực tiếp là các đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ đã chỉ đạo và cho ra Báo Dân Chúng với thành phần Ban Biên tập là các đồng chí trí thức có tầm am hiểu sâu rộng trong Ðảng ta tại địa bàn Sài Gòn, như: Trần Văn Kiết, Lê Văn Kiệt, Nguyễn Văn Kỉnh, Bùi Văn Thủ, Hoàng Văn Thanh, Hoàng Hoa Cương, Nguyễn Văn Trấn... Tại số nhà 43 đường Hamelin mà Báo Dân Chúng lấy làm văn phòng, đồng thời cũng là trụ sở của Báo Le Peuple của Ðảng ta lúc đó.
Báo Dân Chúng ra số đầu vào ngày 22-7-1938. Khi in xong báo được đưa về tòa soạn để các biên tập viên kiểm tra trước, sau đó báo được phát không cho nhân dân Sài Gòn và chung quanh. Tuy những số đầu báo ra không có giấy phép của nhà cầm quyền, nhưng tờ báo của Ðảng ra công khai giữa Sài Gòn, được nhân dân đón đọc khá rộng rãi; và cũng là một hiện tượng lạ khi các thế lực cầm quyền, một tháng sau từ số báo 15, ra ngày 10-9-1938 mới chấp nhận cấp phép cho Báo Dân Chúng. Sau một năm hoạt động, Báo Dân Chúng đã có những bài viết đầy tính chiến đấu nhằm đả kích chính sách cai trị của bọn đế quốc, thực dân gây nên những chết chóc, khổ cực cho nhân dân các nước thuộc địa. Qua một năm, Báo Dân Chúng đã đăng tải những nội dung chính như: tuyên truyền lý luận, đường lối quan điểm, chính sách cách mạng của Ðảng ta; cổ động và tổ chức quần chúng đấu tranh thực hiện các khẩu hiệu dân chủ và chống chiến tranh phát xít; đấu tranh chống bọn Trốt-kít; cổ vũ cho Mặt trận Dân chủ Ðông Dương, ủng hộ Mặt trận Dân chủ ở các nước đấu tranh chống chủ nghĩa phát-xít, đặc biệt là ở Tây Ban Nha, Trung Quốc; ủng hộ Liên bang Xô Viết, ủng hộ Mặt trận bình dân Pháp...
Tuy là tờ báo công khai trong thời kỳ Mặt trận Bình dân, song đây là tờ báo thứ 3 của Ðảng ta ra được nhiều số nhất trước Cách mạng Tháng Tám (năm 1945). Ðây cũng là tờ báo vinh dự được Nguyễn Ái Quốc gửi bài đăng số báo đầu tiên mà Người viết trong cuộc vận động dân chủ ở Ðông Dương. Ðây cũng là tờ báo của Ðảng trước năm 1945 có số lượng in lớn nhất, có nhiều bạn đọc nhất trên cả xứ vào thời điểm đó.
Sự ra đời của Báo Dân Chúng là mốc son trong sự nghiệp báo chí cách mạng của Ðảng ta trước Cách mạng Tháng Tám. Di tích trụ sở của Báo Dân Chúng tại số 43 đường Hamelin - sau giải phóng là đường Lê Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, quận I, ngày 16-11-1988, nơi đây đã được công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia.