Ðó là những chuyện của tình người, lòng người trong chiến tranh tại Văn phòng T.Ư Cục miền Nam, trong quá trình giúp việc cho lãnh đạo cấp cao của Ðảng, Nhà nước chỉ đạo cả chiến trường miền Nam.
Trong một thời gian dài công tác tại R, các cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan T.Ư Cục miền Nam (trong đó có nhiều đồng chí trong Thành ủy TP Hồ Chí Minh sau năm 1975) đã sống chết với nhau trong tình đồng chí, anh em đến tuyệt vời - như bác Tô Bửu Giám khẳng định. Từ trong những ngày tháng ác liệt nhất, gian khổ nhất, thiếu thốn nhất nhưng anh em từ nhiều chiến trường trở về, tiếng nói đủ mọi miền đất nước, song trong mọi tình huống, đã sẵn sàng chia sẻ cả đến những việc nguy hiểm, gian nan, có khi lãnh đạo Văn phòng T.Ư Cục miền Nam không lường hết được tình huống nguy hiểm, bom đạn dày đặc bao vây cả căn cứ như thế.
Minh chứng còn lại là những hố bom sâu của những quả bom tấn từ nhà Bí thư T.Ư Cục Phạm Hùng, sang nhà đồng chí Phó Bí thư T.Ư Cục, Phan Văn Ðáng, hay trước nhà ăn của Văn phòng T.Ư Cục miền Nam. Với tám khu nhà làm việc của các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Ðáng, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Thái Bường, Trần Nam Trung, Nguyễn Văn Sô, liên kết với nhau qua 1.253 m giao thông hào, 430 m đường nội bộ, tất cả đều nằm dưới tán những cây rừng như là sự hòa quyện giữa con người với thiên nhiên, hiếm đâu có. Cho nên, dù máy bay của Mỹ-ngụy nhiều lần thả bom, đạn cày xuống, mà các khu nhà làm việc của lãnh đạo T.Ư Cục miền Nam vẫn an toàn.
Một điều mà ai cũng thương nhớ, là những anh giao liên, những anh bảo vệ đã bằng mọi cách bảo vệ an toàn cho cán bộ lãnh đạo của T.Ư Cục khi xuống cơ sở, như khi địch phát hiện truy đuổi, họ phải đánh lạc hướng để cho cán bộ lãnh đạo được an toàn, mà mình thì phải chịu đựng thương vong, thậm chí hy sinh. Những năm 1968 - 1972, khi đồng chí Phạm Hùng, Bí thư T.Ư Cục, hay đồng chí Võ Văn Kiệt, Ủy viên Thường vụ T.Ư Cục đi công tác kiểm tra tình hình tại các tỉnh. Dù là địa bàn tại các tỉnh gần hay xa căn cứ đóng quân của T.Ư Cục, thì anh em giao liên đều phải đi trước dò đường, từng vị trí có thể địch tập kích bất ngờ, hay rải B52 truy thảm, phát quang cây cối. Có lần giao liên đưa đồng chí Võ Văn Kiệt đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ, kiểm tra tình hình địa bàn. Cả giao liên và đồng chí Võ Văn Kiệt vừa đi ra khỏi căn cứ, thì Văn phòng T.Ư Cục nhận được tin cơ sở cho biết, địch đang phục kích gần đó. Thế là đồng chí giao liên phải đánh lạc hướng cho bọn địch từ trên máy bay truy kích mình, để cho đồng chí Võ Văn Kiệt được an toàn tạm lánh trong khu rừng khác an toàn. Hay những chuyến đi công tác của các đồng chí lãnh đạo Ban An ninh T.Ư Cục như Phạm Thái Bường, Mai Chí Thọ... tất cả những gian khổ, hy sinh, anh em trong văn phòng phải lường trước, kể cả sẵn sàng hy sinh để lãnh đạo các Ban của T.Ư Cục miền Nam được an toàn trong từng chuyến công tác, nhằm chỉ đạo Cách mạng miền nam kịp thời.
Trong 14 năm liền tại Căn cứ T.Ư Cục miền Nam, để bảo vệ Căn cứ, các anh em tại cứ điểm vừa chiến đấu, bảo vệ lãnh đạo T.Ư Cục, vừa phối hợp xây dựng, nắm tình hình tham mưu cho lãnh đạo T.Ư Cục miền Nam. Suốt thời gian dài, từ khi thành lập tháng 10-1961 Văn phòng T.Ư Cục miền Nam đã đứng chân trên nhiều căn cứ chính thức. Xây dựng 36 căn cứ, các hệ thống giao thông hào bảo vệ với 1.658 hầm trú ẩn, chống phi pháo, cả những loại hầm chống bom B52, những hào địa đạo dài 1.253 m, nối nhà làm việc của từng đồng chí lãnh đạo T.Ư Cục miền Nam, lãnh đạo các Ban của T.Ư Cục miền Nam. Ðó là lý do mà sau này, khi người Mỹ vào đây thăm, đã không hiểu nổi là rừng che, hay lòng dân đã che chở cho cả T.Ư Cục miền Nam tồn tại dưới làn bom đạn địch, để chỉ huy cả cuộc kháng chiến thần thánh có một không hai trong lịch sử dân tộc ta.
Do địa hình là rừng núi, ta phải thường xuyên di chuyển để tránh sự dòm ngó của Mỹ - ngụy và bảo đảm an toàn trước các trận oanh kích dữ dội của kẻ thù, trong hoàn cảnh xa sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Ðảng, nhưng từ trung tâm đầu não chỉ đạo Cách mạng miền nam, T.Ư Cục miền Nam và Quân ủy Miền đã đứng vững ngay trong những vùng chiến tranh ác liệt nhất, đã tồn tại và chỉ đạo từng quyết sách nhằm tiến lên làm chủ thế trận, làm chủ địa bàn đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược. T.Ư Cục miền Nam và Bộ Chỉ huy Miền luôn được dân che chở, bảo vệ, để cùng nhân dân miền nam làm nên những chiến thắng vẻ vang, đi tới chiến dịch Ðại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất Tổ quốc.
Khu Căn cứ T.Ư Cục miền Nam vào giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, được tọa lạc tại khu Rùm Ðuôn thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh trên tuyến biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia. Nơi đây đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia tại Quyết định số 100-QÐ/CN ngày 31-8-1990, và nay vẫn là nơi thu hút du khách đến thăm, để hiểu rõ thêm về một thời kỳ quyết liệt, nhưng đầy anh dũng của Cách mạng miền nam. Ðến nay, sau 35 năm, ai lên thăm Căn cứ T.Ư Cục tại Chàng Riệc, cách thị xã Tây Ninh hơn 60 km, đều bồi hồi, xúc động trước những người con quả cảm qua những năm tháng đã bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo cấp cao T.Ư Cục, Bộ Chỉ huy Miền lãnh đạo, chỉ đạo trên toàn chiến trường miền nam. Họ - những con người bình dị và kiên cường đó đã sống, chiến đấu, bảo vệ, đổ bao xương máu, hy sinh, góp phần cho đất nước ta có được Hòa bình - Ðộc lập - Tự do như ngày hôm nay.