Tấm lòng son người nữ trí thức Bùi Thị Mè

NDO - Tôi biết má Năm Mè, tức Bùi Thị Mè tại đường Phùng Khắc Khoan, quận I, khi thấy má nhiều lần, dù tuổi cao vẫn không quản ngại đến với các cô giáo, học sinh nghèo; hay đi với cựu nữ sinh trường Nữ sinh Ðồng Khánh xưa, nay là THPT Nguyễn Thị Minh Khai, để giúp đỡ bao cảnh đời khó khăn, ngặt nghèo được vươn dậy.

Má sinh ngày 26-6-1921, trong một gia đình khá giả ở Cái Nhum, huyện Măng Thít (Vĩnh Long). Từ nhỏ đã được cha mẹ nuôi ăn học chu đáo. Vốn thông minh, cô học rất nhanh, qua bậc tiểu học ở Cái Nhum - Chánh Hội (nay thuộc Mang Thít), rồi lên Vĩnh Long tiếp tục học Nữ học đường ở Vĩnh Long đậu nội trú và sau bốn năm thi đỗ bằng Thành chung.

Sau đó lên học Trường Nữ sinh Ðồng Khánh, một trường khá nổi tiếng về dạy chữ - dạy đạo đức ở Sài Gòn lúc đó. 

Năm 1946, khi thực dân Pháp trở lại xâm chiếm Nam Bộ, vợ chồng trẻ Nguyễn Văn Nhơn - Bùi Thị Mè với danh nghĩa là những thương gia, đã có những hoạt động hợp pháp ủng hộ kinh tế cho kháng chiến. Lúc Bến Tre bị chiếm, hai vợ chồng sang Bãi Xan, thuộc xã Ðức Mỹ, Càng Long - Trà Vinh. Vì là phụ nữ, con còn nhỏ, bà không thể thoát ly vào chiến khu, đành tìm cách liên lạc với Tỉnh ủy Trà Vinh để hoạt động hợp pháp, ủng hộ cách mạng.

Ban đầu, bà mở và làm Hiệu trưởng Trường trung học tư thục tại xã Long Ðức, quận Châu Thành, Trà Vinh. Ðó là năm 1950, mà bề ngoài là cơ sở trường trung học để tránh sự dò xét của mật thám Pháp, nhưng bên trong là một cơ sở hợp pháp của Tỉnh ủy Trà Vinh. Năm 1955, Tỉnh ủy Trà Vinh bố trí bà làm Tổng Thư ký Hội Phụ nữ của Tỉnh ủy và là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Chẩn tế - xã hội tỉnh Trà Vinh. Từ những năm 1950 đến 1957, bà hoạt động hợp pháp dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Trà Vinh. Bà là một trong những người có uy tín để tiếp xúc với nhiều đối tượng như trí thức, thương gia, các tầng lớp trong xã hội, kể cả trí thức người Khmer để vận động họ cùng chung tay, ủng hộ phong trào kháng chiến.

Năm 1957, chính quyền Ngô Ðình Diệm nghi ngờ cơ sở của bà tiếp tay cho Cộng sản, cho nên ra lệnh đóng cửa Trường trung học tư thục với lý do hiệu trưởng thân "Cộng", toàn Ban giáo sư thân "Cộng", dạy đường lối chống Chính phủ. Từ sự khôn khéo, thông minh, bà về ngay Sài Gòn, gặp Bộ trưởng Giáo dục của chính quyền Ngô Ðình Diệm chất vấn, tố cáo chính quyền địa phương (lúc đó vẫn chưa bị lộ). Mục đích là gây mâu thuẫn giữa Bộ Giáo dục và chính quyền của chế độ Ngô Ðình Diệm tại Trà Vinh để tạo một thế hợp pháp trong hoạt động bán công khai. Ðấu tranh thắng lợi, bà lên Sài Gòn tiếp tục dạy và hoạt động trong giới trí thức.

Tháng 12-1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, Tỉnh ủy Trà Vinh giới thiệu bà vào công tác ở Khu ủy Khu Tây Nam Bộ, được cử là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng khu Tây Nam Bộ. Năm 1964, bà được Trung ương Cục miền Nam rút về làm công tác tuyên truyền đối ngoại thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam - do bà là nữ nhân sĩ nói thành thạo tiếng Pháp - rồi được tổ chức bố trí sang phụ trách Ban Phụ vận ở Trung ương Cục miền Nam. Năm 1965, tại Ðại hội Phụ nữ Giải phóng miền Nam, bà được bầu vào Ban Chấp hành Hội Phụ nữ Giải phóng, đồng thời kiêm giữ nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hội Nhà giáo yêu nước miền Nam Việt Nam.

Trước tình hình phát triển mạnh cách mạng miền nam từ năm 1960, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam được thành lập do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch. Bà được Chính phủ giao giữ nhiệm vụ Thứ trưởng Bộ Y tế - Xã hội - Thương binh, chuyên trách công tác xã hội, thương binh. Trên cương vị là thứ trưởng chuyên trách công tác xã hội, thương binh, suốt từ năm 1969 đến 1976, bà đã có nhiều hoạt động sôi nổi, sâu sát cơ sở, phong trào, đóng góp công lao của mình vào cách mạng giải phóng miền nam. Từ tác phong giản dị, tính tình hiền lành, dễ gần, người nữ thứ trưởng duy nhất trong Bộ Y tế - Xã hội - Thương binh đã góp phần chỉ đạo hiệu quả cao về công tác xã hội, thương binh ở miền nam, phục vụ cho cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước.

Năm 1974, theo yêu cầu cách mạng mở rộng công tác tuyên truyền đối ngoại về cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước, bà được Trung ương Cục cử ra Hà Nội dự Ðại hội Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và tiếp xúc với nhiều đoàn phụ nữ quốc tế. Với vốn tiếng Pháp thành thạo, cộng với sự nhanh nhẹn của một nhà giáo, bà đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng đoàn phụ nữ các nước: Liên Xô (trước đây), Cu-ba, An-giê-ri..., để bạn bè quốc tế hiểu thêm về cuộc đấu tranh bất khuất, giành độc lập tự do của nhân dân ta.

Tháng 1-1974, khi gia nhập Ðảng Cộng sản Việt Nam, bà tâm sự: "Ðối với tôi, Ðảng đã ở trong tim từ những ngày đầu tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhưng trong hoàn cảnh công tác hợp pháp tôi thấy càng lăn lộn, thử thách trong phong trào càng rắn rỏi, nỗ lực cho nên dù đứng trong tổ chức hay không tôi vẫn phấn đấu không ngừng". Với má Năm Mè, thế mạnh trong công tác vận động phụ nữ, trí thức đạt kết quả cao do bà có học thức cơ bản, có lòng nhân hậu, can đảm. Những năm chiến tranh, dù hoạt động công khai hay bí mật, đi đến đâu bà cũng được nhân dân đùm bọc, che chở.

Sau ngày nước nhà thống nhất. Theo yêu cầu của thành phố, bà về công tác ở Hội Chữ thập đỏ thành phố, chăm lo mạng lưới Chữ thập đỏ cơ sở, hỗ trợ cho công tác thương binh và xã hội TP Hồ Chí Minh.

Một người trí thức đã quyết định đi theo cách mạng từ khi tuổi còn trẻ, đến nay dù đã 90 tuổi đời, má Năm Mè vẫn một lòng thủy chung với Ðảng, với Tổ quốc và nhân dân. Má được Nhà nước tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.