Sử dụng phân bón hiệu quả cho lúa không chỉ tăng năng suất, chất lượng mà còn bảo vệ môi trường.
Sử dụng phân bón hiệu quả cho lúa không chỉ tăng năng suất, chất lượng mà còn bảo vệ môi trường.

Sử dụng phân bón đúng cách, bảo vệ môi trường và sức khỏe

Hiện, tại đồng bằng sông Cửu Long, việc sử dụng phân bón không đúng cách đang là vấn đề tại nhiều địa phương. Trong khi đó, việc sản xuất lúa gạo, việc sử dụng phân bón hợp lý hết sức quan trọng, không chỉ tăng sản lượng, chất lượng mà còn bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người.

Theo nhiều chuyên gia, dùng phân bón không đúng cách, năng suất của cây trồng có khả năng cao nhưng chất lượng chưa cao, sâu bệnh phát sinh nhiều và tác động xấu đến môi trường...

Nhiều nông dân bón phân chưa phù hợp

Tiến sĩ Đào Minh Sô, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền nam, cho biết: Trong hợp phần kỹ thuật canh tác lúa bền vững, phân bón có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng đến khả năng chống chịu sâu bệnh, năng suất và hiệu quả canh tác. Thói quen sử dụng phân khoáng, nhất là phân đạm, được nông dân trồng lúa ưa thích vì tiện lợi và dễ nhận dạng tính hiệu quả.

Tuy vậy, nhiều nghiên cứu xác nhận chưa đến 50% phân đạm được cây sử dụng, phần còn lại bị rửa trôi hoặc trở thành chất bay hơi làm tăng phát thải khí nhà kính. Việc sử dụng nhiều phân đạm dẫn đến nguy cơ suy giảm khả năng chống chịu sâu bệnh của cây và gia tăng cơ hội phát sinh sâu bệnh gây hại.

Sử dụng phân bón đúng cách, bảo vệ môi trường và sức khỏe ảnh 1
Phân bón có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng đến khả năng chống chịu sâu bệnh, năng suất và hiệu quả canh tác.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn một địa phương tại đồng bằng sông Cửu Long cho biết, hiện, người dân chạy theo lợi nhuận nên thâm canh quá mức cho phép. Sử dụng quá nhiều các loại phân bón vô cơ, hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của đất và con người.

Người dân cũng ít sử dụng phân hữu cơ và các loại phân trung vi lượng dẫn đến đất ngày càng bị bạc màu và không cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây trồng. Đất không còn tơi xốp mà bị nén chặt, chai cứng, kết cấu thay đổi; một số dinh dưỡng trong đất mất cân đối như thừa lân, thiếu kali, thiếu vi lượng, bị ô nhiễm kim loại nặng, nước tưới bẩn trên các lưu vực sông; số lượng sinh vật có hại nhiều hơn sinh vật có lợi...

Sử dụng phân hóa học không phù hợp (tức là khi được sử dụng ở cả trạng thái thừa hoặc thiếu) cũng như công nghệ bón phân không đúng cách có thể có tác động tiêu cực đến sức khỏe của đất.

Sử dụng phân bón hóa học mất cân bằng có thể làm thay đổi độ pH của đất và làm tăng sự tấn công của sâu bệnh, axit hóa lớp vỏ đất, dẫn đến giảm carbon hữu cơ trong đất và các sinh vật hữu ích. Kìm hãm sự phát triển và năng suất của cây và dẫn đến phát thải khí nhà kính.

Tiến sĩ Phùng Hà (Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam)

Chất lượng đất kém ảnh hưởng lớn tới dinh dưỡng cây trồng. Khả năng cung cấp dinh dưỡng của đất giảm, mất cân đối với cây nên phải bón nhiều phân mới cho năng suất.

Không ít người bón phân không dựa vào khả năng cung cấp dinh dưỡng của đất và nhu cầu dinh dưỡng của cây.

Vẫn còn một số cơ sở, đại lý kinh doanh phân bón do yếu tố doanh thu, lợi nhuận, tư vấn sử dụng phân bón cho nông dân chưa đúng loại, đúng quy trình kỹ thuật...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, việc sử dụng phân bón trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do địa hình không đồng đều, đất đai trũng thấp, mực nước khi bón phân còn cao, do đó làm giảm hiệu quả sử dụng phân bón.

Nông dân chưa chú trọng đến các yếu tố trung lượng và vi lượng trong phân bón, do đó năng suất và chất lượng cũng như khả năng chống chịu của cây chưa được tối ưu hóa.

Cần nhiều giải pháp tăng "sức khỏe" cho đất

Theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, việc quy hoạch, định hướng phát triển các vùng sản xuất lúa tập trung là rất cần thiết. Cần tăng cường việc theo dõi, quản lý sức khỏe đất, dinh dưỡng cây trồng, mang tính bền vững hơn. Ứng dụng cơ giới hoá để san phẳng đồng ruộng tạo điều kiện cho cây lúa phát triển đồng đều nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón.

Sử dụng phân bón đúng cách, bảo vệ môi trường và sức khỏe ảnh 2
Ứng dụng cơ giới hóa sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón.

Ứng dụng cơ giới hóa trong khâu gieo sạ kết hợp với vùi phân để hạn chế việc mất phân bón đạm do bay hơi cũng góp phần hạn chế phát thải khí nhà kính do phân bón đạm gây ra.

Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền hướng dẫn người dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ để cải tạo đất góp phần nuôi dưỡng và nâng cao sức khỏe của đất sau mùa vụ. Đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn sâu...

Kỹ sư Phan Tấn, Công ty TNHH MTV Cơ khí nông nghiệp Phan Tấn, cho rằng: Cơ giới hóa là một trong những yếu tố then chốt, không chỉ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Sử dụng phân bón đúng cách, bảo vệ môi trường và sức khỏe ảnh 3
Sử dụng máy móc, cơ giới hóa tăng năng suất lúa cũng như hiệu quả sử dụng phân bón.

Việc áp dụng công nghệ hiện đại trong nông nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự chuyển mình của ngành nông nghiệp Việt Nam theo hướng hiện đại hóa và bền vững. Ngành cơ khí Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng tốt một số máy móc trong khâu xử lý rơm rạ, làm đất, gieo sạ...

Người dân hay có thói quen đốt rơm rạ làm mất đi nguồn vi sinh vật có lợi trong đất, dẫn đến tình trạng đất cằn cỗi và giảm năng suất cây trồng. Xử lý rơm rạ đúng cách giúp duy trì và phát triển hệ vi sinh vật có lợi trong đất.

Rơm rạ chứa nhiều chất dinh dưỡng như đạm, lân, kali và các khoáng chất khác, có thể được chuyển hóa thành phân bón hữu cơ khi được xử lý đúng cách. Điều này không chỉ cải thiện độ phì nhiêu của đất mà còn nâng cao năng suất cây trồng trong các vụ sau.

Nếu muốn khai thác có hiệu quả và bền vững, ngoài việc cần làm ngay là canh tác lúa thông minh, bón phân cân đối giữa vô cơ và hữu cơ, cần bón bổ sung loại than sinh học (biochar) được sản xuất từ vỏ trấu hoặc rơm rạ.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa (chuyên gia nông nghiệp)

Theo Tiến sĩ Phùng Hà, giữa phân bón, đất, biến đổi khí hậu và trồng trọt có mối quan hệ tương hỗ, hữu cơ với nhau. Giảm phát thải khí nhà kính trong ngành phân bón, bao gồm cả lĩnh vực sản xuất và sử dụng phân bón sẽ có tác dụng tốt tới sức khỏe của đất, năng suất cây trồng.

Vì thế, cần đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển ammoniac xanh, hóa học xanh; tập trung vào phương thức quản lý, điều chỉnh thành phần dinh dưỡng theo nhu cầu của cây trồng nhằm giảm thất thoát ra môi trường, đặc biệt đối với phân đạm.

Tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân bón hiệu quả cao, phân bón lá và sử dụng phụ gia ức chế các quá trình phát thải N2O, phụ gia chống mặn, chống ngập lụt. Ưu tiên sử dụng các chất có nguồn gốc tự nhiên từ khoáng chất, thực vật...

back to top