Đội Empathetic squad (Trường phổ thông Năng khiếu, Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) mang đến vòng chung kết cuộc thi năm nay dự án sử dụng vỏ sò tạo thành các khối bê-tông thấm nước, ngăn chặn việc ngập lụt ở một số địa điểm trên địa bàn thành phố Thủ Ðức. Dự án này hướng đến hai mục tiêu cơ bản là giảm ngập cục bộ và tận dụng tối đa nguồn rác thải trong khu vực, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, hướng đến sự phát triển bền vững.
Theo Ðội trưởng Nguyễn Nhật Tiến, khâu quan trọng nhất của dự án là phải tìm ra được công thức trộn bê-tông hiệu quả rồi mới triển khai các bước còn lại để tăng tính tiết kiệm, khả thi. Sau khi gửi ý tưởng đến cuộc thi và được định hướng, tập huấn, hiện các thành viên của đội đang trong quá trình tìm hiểu, phân tích các thông số kỹ thuật trước khi chốt phương án cuối cùng.
Trong tương lai, đội thi sẽ liên hệ với các đơn vị thuộc lĩnh vực nghiên cứu và phát triển để nhờ hỗ trợ nhằm có thể sớm hiện thực hóa sáng kiến này. Khi công tác chuẩn bị hoàn tất, các thành viên sẽ liên hệ địa phương và tiến hành thử nghiệm dự án tại 10 hộ dân quanh khu vực chợ Thủ Ðức. “Hoàn tất việc tìm ra công thức tối ưu nhất, chúng em sẽ liên hệ thu thập nguồn vỏ sò từ các chợ hải sản, nhà hàng và xin hỗ trợ nguồn vật liệu từ các công ty xây dựng, bắt đầu quá trình thử nghiệm, đánh giá, bổ sung.
Như vậy, sẽ tiết kiệm chi phí cũng như đáp ứng tính thực tiễn của dự án. Ðiều chúng em mong muốn khi đến với cuộc thi này là nhận về những đánh giá, hỗ trợ từ ban giám khảo để tận dụng hiệu quả các kiến thức đã học và nghiên cứu được”, Tiến cho biết thêm.
Trong khi đó, đội Ecologic (Trường tiểu học-trung học cơ sở-trung học phổ thông Quốc tế Wellspring Saigon) mang đến dự án khá thú vị mang tên “Trạm xanh” nhằm mục tiêu tăng vòng đời cho túi ni-lông, loại rác thải đang tạo áp lực mạnh mẽ lên môi trường. Tìm hiểu thông tin trên sách báo, internet, các thành viên trong đội thở dài khi nhận ra, hơn 80% số túi ni-lông thải ra môi trường mỗi ngày đều mới sử dụng một lần.
Các thành viên tiến hành thêm một cuộc khảo sát ngay tại trường và thu về số liệu không mấy khả quan: Có đến 97% học sinh sử dụng nhựa vì tính tiện dụng, trong đó, chủ yếu là túi ni-lông. Thế nhưng, việc xử lý vẫn chưa bảo đảm yếu tố thân thiện với môi trường. Bốn thành viên trong đội muốn làm điều gì đó góp phần nâng cao ý thức tái chế, giảm thiểu rác thải nhựa từ chính ngôi trường đang theo học.
Dự án đã nhận được sự đồng tình của Ban giám hiệu nhà trường, triển khai thử nghiệm suốt thời gian qua ở cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tại trường, các bạn đặt một “Trạm xanh”, tiến hành tiếp nhận, lưu trữ và chia sẻ túi ni-lông cho ai có nhu cầu tận dụng, tái chế. Số túi ni-lông đã qua sử dụng được các bạn học sinh gửi về ngày càng nhiều. Cùng với đó, nhu cầu dùng lại túi ni-lông cũng bắt đầu tăng lên. Giai đoạn tới, bên cạnh túi ni-lông, dự án sẽ mở rộng thể loại tiếp nhận là rác thải nhựa và cung cấp thêm nhiều giải pháp tái chế nhằm tăng tính hiệu quả.
Giành ngôi vị cao nhất cuộc thi là ý tưởng biến rác thành phân hữu cơ, thúc đẩy nông nghiệp xanh của đội Adventure of Planet Keeper Kids (Trường trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Quang Diêu ở thành phố Cao Lãnh, tỉnh Ðồng Tháp). Dự án đưa ra ý tưởng tận dụng nguồn thức ăn thừa làm phân bón hữu cơ cung cấp cho các vườn sinh thái của nhà trường; đồng thời, tạo môi trường thực hành cho học sinh tham gia chương trình Công nghệ.
Trong giai đoạn tới, khi hoàn thiện các công đoạn, dự án sẽ tiếp tục được mở rộng phạm vi, hướng đến mục tiêu bảo đảm phân bón hữu cơ cho các vườn cây trái, vườn kiểng tại thành phố Cao Lãnh. Ðại diện dự án cho biết: Vì xử lý khép kín bằng men vi sinh trong thùng nên không ảnh hưởng đến môi trường, ổn định chất lượng phân hữu cơ thành phẩm.
Thời gian qua, các thành viên đã tiến hành ủ phân và bón cho cây tại vườn rau hữu cơ của trường, cùng lúc thử nghiệm trên một vườn sinh thái tại địa phương. Kết quả thu về rất khả quan khi các loại cây được bón phân hữu cơ của dự án đều sinh trưởng tốt hơn rất nhiều. Môi trường tại nơi ủ phân vẫn ổn định.
Hiện đội thi đã liên hệ với căng-tin trường cũng như các vườn sinh thái, các chủ vật tư nông nghiệp để có thể tiếp cận nguồn thức ăn thừa, men vi sinh với giá thành tiết kiệm nhằm kéo giảm chi phí thành phẩm trước khi triển khai ở quy mô lớn hơn.
Cuộc thi “Sáng kiến xây dựng xã hội bền vững” được tổ chức nhằm thúc đẩy sự sáng tạo của học sinh bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông trong việc bảo vệ môi trường. Mỗi đội thi sẽ tìm hiểu về các vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của cộng đồng đã và đang diễn ra tại nơi mà các em sinh sống cũng như học tập; từ đó, đề xuất giải pháp cải thiện tình hình.
Với chủ đề “Vì một cộng đồng xanh và bền vững”, các tiêu chí đánh giá từ ban giám khảo sẽ bám sát 17 mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc. “Thông điệp cuộc thi khởi nguồn từ chính sự thấu cảm của các em học sinh, từ đó đưa ra sáng kiến giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến môi trường ngay tại địa phương. Chúng tôi đánh giá rất cao tính sáng tạo, thực tiễn của từng dự án.
Không dừng lại ở vòng chung kết, các dự án sẽ tiếp tục được triển khai trong thực tế, tạo môi trường cho các đội hành động, cùng chung tay giúp xã hội phát triển bền vững, tốt đẹp hơn”, Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Diệp, Trưởng Trung tâm Ðổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ Trường đại học Quốc tế, đồng Trưởng ban Tổ chức cuộc thi chia sẻ.