Thuế VAT cho phân bón: Cần cân nhắc phương án tối ưu

NDO - Theo đại biểu Quốc hội, cả 2 phương án áp dụng mức thuế VAT 5% và 0% đối với phân bón đều mang lại lợi ích và tác động nhất định, do đó cần tiếp tục tính toán kỹ lưỡng lợi ích chi phí của 2 phương án để Quốc hội có thêm cơ sở lựa chọn phương án tối ưu.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất phân bón tại Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo).
Sản xuất phân bón tại Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo).

Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) có quy định về sản phẩm phân bón được đưa vào chịu thuế. Theo đề xuất của Chính phủ, mức áp thuế VAT cho phân bón là 5% thay vì là đối tượng không chịu thuế theo như luật hiện hành.

Thuế VAT cho phân bón: Áp mức 5% hay 0%?

Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ bên hành lang Quốc hội sáng 24/6, ông Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, đồng thời là Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hoan nghênh Chính phủ đã đưa mặt hàng phân bón từ diện không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) vào thuộc diện chịu thuế VAT trong dự thảo luật.

Theo đại biểu, việc đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT sẽ mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng này cùng người nông dân và những đối tượng liên quan.

Thuế VAT cho phân bón: Cần cân nhắc phương án tối ưu ảnh 1

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) chia sẻ bên hành lang Quốc hội.

Đại biểu phân tích, trước đây phân bón không thuộc diện chịu thuế VAT, dẫn tới doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước phải gánh thêm chi phí đầu vào, do doanh nghiệp không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng, chính vì vậy chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước có phần kém cạnh tranh hơn so với sản phẩm nhập khẩu.

Hiện nay, Quốc hội đang đưa phân bón vào mặt hàng chịu thuế VAT, theo đó sẽ giúp giảm chi phí đầu vào để sản xuất mặt hàng phân bón vì sẽ được khấu trừ hoàn thuế VAT, qua đó giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, đồng nghĩa đem đến cơ hội giảm chi phí sản phẩm bán cho người nông dân và người tiêu thụ.

Đại biểu Hiếu cho biết, nếu so sánh cả 2 kịch bản 0% và 5% đều mang lại lợi ích cho nhà sản xuất và người tiêu dùng, do tạo cơ hội giảm chi phí sản xuất phân bón tại Việt Nam, đồng nghĩa tạo cơ hội lớn để giảm giá bán.

Tuy nhiên, thị trường phân bón chúng ta có sản phẩm nhập khẩu. Đối với kịch bản 5%, rõ ràng không có lợi cho doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu phân bón không sản xuất trong nước, do giá thành sẽ tăng và người tiêu dùng có thể phải chịu tác động tăng giá tương ứng.

Trong khi đó, kịch bản 0% rõ ràng có lợi chung cho nhà nhập khẩu, người tiêu dùng nhưng lợi ích của nhà nước bị ảnh hưởng do hoàn thuế đối với chi phí sản xuất đầu vào.

“So sánh tổng thể 2 phương án, tôi nhận thấy kịch bản 5% là kịch bản tốt nhất, có lợi ích hài hòa cho tất cả các bên: Doanh nghiệp sản xuất-nhà nước-người tiêu dùng. Ngoài ra, phương án này còn giúp thúc đẩy sản xuất trong nước, thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm. Điểm yếu của kịch bản này lại không có lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu và người tiêu dùng đối với sản phẩm nhập khẩu”, đại biểu Hiếu cho hay.

Với kịch bản 0% sẽ có lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu-người tiêu dùng nhưng không có lợi cho nhà nước, đồng nghĩa sẽ ảnh hưởng đến lợi ích chung của toàn xã hội.

Để chọn 1 trong 2 kịch bản này hiện nay, nếu chỉ xét trên bình diện tổng thể, hài hòa về mặt lợi ích cho doanh nghiệp sản xuất trong nước-người tiêu dùng-Nhà nước, đại biểu Hiếu cho biết cá nhân ông nghiêng về kịch bản áp dụng mức thuế 5%.

Từ phân tích trên, đại biểu Phan Đức Hiếu bày tỏ mong muốn, lần này Chính phủ cần tiếp tục tính toán kỹ lưỡng lợi ích chi phí của 2 phương án để Quốc hội có thêm cơ sở lựa chọn phương án tối ưu.

Cần đánh giá kỹ lưỡng tác động

Thuế VAT cho phân bón: Cần cân nhắc phương án tối ưu ảnh 4

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) chia sẻ bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Cùng chung nhận định, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cũng cho rằng, cần đánh giá tác động thật sự kỹ lưỡng trước khi quyết định tăng thuế suất này.

Chia sẻ với phóng viên bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nga phân tích, qua đại dịch Covid-19, nông nghiệp đã chứng tỏ được vai trò rất quan trọng của mình trong nền kinh tế, trở thành trụ đỡ của nền kinh tế và trong những thời điểm khó khăn nhất càng thể hiện rõ vai trò trụ đỡ này.

Hiện có nhiều chính sách khuyến nông hỗ trợ bà con nông dân phát triển nông nghiệp, tuy nhiên, theo đại biểu, việc tăng thuế đối với mặt hàng phân bón cần sự đánh giá tác động kỹ lưỡng do ngành phân bón trong nước phụ thuộc vào nhập khẩu nhiều, kể cả mặt hàng phân bón sản xuất trong nước thì nguyên liệu để sản xuất phân bón cũng nhập khẩu.

Theo đại biểu đoàn Hải Dương, tăng thuế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành của phân bón, dẫn đến ảnh hưởng nguyên liệu đầu vào của sản xuất nông nghiệp, và từ đó tiếp tục ảnh hưởng tới giá nông sản, trong khi nông sản xuất khẩu Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh lớn của các nước láng giềng cả về chất lượng lẫn giá cả, đặc biệt là các sản phẩm lúa gạo, trái cây.

“Nếu giá nông sản Việt Nam phải cộng thêm gia tăng thuế suất của phân bón thì việc xuất khẩu nông sản và hỗ trợ bà con nông dân phát triển nông nghiệp bị ảnh hưởng, đòi hỏi chúng ta phải đánh giá tác động thật sự kỹ lưỡng trước khi quyết định tăng thuế suất này”, đại biểu Nga cho biết.