Áp thuế giá trị gia tăng thúc đẩy sản xuất phân bón

Ngay khi Luật Thuế 71/2014/QH13 (Luật Thuế 71) có hiệu lực, thực tế triển khai đã phát sinh vướng mắc. Cụ thể, sản phẩm phân bón từ đối tượng đang chịu thuế giá trị gia tăng 5% về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Điều này đồng nghĩa với việc toàn bộ chi phí đầu vào đều tính vào giá thành sản xuất, khiến giá phân bón trong nước tăng cao, nông dân và doanh nghiệp sản xuất gặp khó.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất urê tại Cty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình.
Sản xuất urê tại Cty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình.

Chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT) phân bón trong Luật Thuế 71 hiện nay không những ngược với kỳ vọng về giảm giá bán, mang lại lợi nhuận cho nông dân, mà còn tạo ra nhiều hệ lụy khác cho doanh nghiệp trước sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu, ảnh hưởng phát triển bền vững của nền sản xuất nông nghiệp.

Nhiều bất cập

Tại khoản 1, Điều 3, Luật Thuế 71 quy định các mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không phải chịu thuế GTGT, đã khiến doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT, cho nên giá bán trong nước tăng lên.

Theo thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, từ khi thực hiện Luật Thuế 71, giá thành phân đạm trong nước tăng 7,2%-7,6%; phân DAP tăng 7,3%-7,8%, phân su-pe lân tăng 6,5%-6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng 5,2%-6,1%,... so với những năm còn áp dụng thuế GTGT 5% đối với phân bón. Điều này kéo theo chi phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp tăng cao, ảnh hưởng đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, từ khi thực hiện Luật Thuế 71, giá thành phân đạm trong nước tăng 7,2%-7,6%; phân DAP tăng 7,3%-7,8%, phân su-pe lân tăng 6,5%-6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng 5,2%-6,1%,... so với những năm còn áp dụng thuế GTGT 5% đối với phân bón. Điều này kéo theo chi phí đầu tư cho sản xuất nông ng

Chia sẻ về những khó khăn phải đối diện, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần DAP-Vinachem Nguyễn Hoàng Trung khẳng định: Do không phải chịu áp thuế GTGT cho nên toàn bộ chi phí đầu vào phải tính vào giá thành sản xuất, làm tăng chi phí sản xuất mỗi năm khoảng 7%-8%, tương đương gần 100 tỷ đồng và tính đến nay, con số lũy kế đã tăng lên hàng nghìn tỷ đồng. Điều bất cập là mặc dù giá thành sản xuất tăng nhưng giá bán trên thị trường không được điều chỉnh, trong khi phân bón nhập khẩu không phải chịu thuế GTGT, người nhập khẩu sẵn sàng giảm giá bán, tạo cạnh tranh bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp, giữa hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước ngày càng sụt giảm, kém hiệu quả.

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Trung, do hiệu quả sản xuất thấp cùng tác động của Luật Thuế 71, doanh nghiệp không đủ nguồn lực để đầu tư, nâng cấp hay triển khai các dự án mới. “Trong 10 năm qua, Việt Nam không có nhiều doanh nghiệp phân bón có quy mô đầu tư lớn. Điều này cũng hạn chế sự phát triển, không thúc đẩy sản xuất, làm cho doanh nghiệp không có động lực để tăng đầu tư, tái đầu tư, nâng cao quy mô sản xuất và chất lượng sản phẩm, dẫn tới người nông dân cũng thiệt hại khi không được sử dụng sản phẩm tốt hơn. Nếu các bất cập được xóa bỏ, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ tăng quy mô sản xuất, lúc đó giá thành giảm, người nông dân sẽ được hưởng lợi”, ông Trung nhấn mạnh.

Sớm thay đổi chính sách thuế

Thực tế cho thấy, chính sách “ưu đãi” không đánh thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón ở tất cả các khâu: Nhập khẩu, sản xuất, bán buôn, bán lẻ đến tay người tiêu dùng như Luật Thuế 71 hiện hành đã và đang làm khó doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước. Bởi doanh nghiệp gặp khó khăn do không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho hoạt động sản xuất phân bón, cũng như đầu tư mở rộng sản xuất, trang bị công nghệ, máy móc thiết bị mới.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Phùng Hà cho rằng, sau khi Luật Thuế 71 đi vào cuộc sống, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đã gặp khó khăn do không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ bao gồm cả hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ cho hoạt động sản xuất phân bón mà phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm; bất lợi trong cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Ngoài ra, do không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào cho nên không khuyến khích được các doanh nghiệp sản xuất phân bón đầu tư, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản cố định để tạo ra sản phẩm phân bón thế hệ mới, chất lượng cao, hàm lượng công nghệ lớn.

Phân bón nhập khẩu không có thuế GTGT có lợi cho các nhà sản xuất nước ngoài khi xuất khẩu sang Việt Nam, đồng thời làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước khi phải “gánh” chi phí thuế GTGT.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khẳng định: Luật Thuế 71 có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp, nông dân, môi trường và nông sản đầu ra của Việt Nam. Nếu không có sự thay đổi về chính sách thuế, các doanh nghiệp trong nước còn phải đối mặt nguy cơ thay đổi chiến lược kinh doanh sang lĩnh vực khác, nhường thị phần lại cho các sản phẩm phân bón ngoại nhập giá rẻ, kém chất lượng. Bên cạnh đó, với việc hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu ở Việt Nam theo cam kết của Hiệp định thương mại tự do (FTA), doanh nghiệp nước ngoài càng có điều kiện hạ giá bán phân bón mạnh để cạnh tranh với phân bón trong nước,…

Do đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đề xuất nên áp thuế GTGT ở mức 5% là phù hợp, bởi các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ có khoản chênh lệch giảm trừ ở GTGT đầu vào ở mức 7%-8%, chi phí sản xuất phân bón sẽ giảm 2%-3%, từ đó có cơ sở giá bán thấp hơn, nông nghiệp - nông dân sẽ được hưởng lợi, đồng thời tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng, sòng phẳng giữa các nhà sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu.

Tương tự, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần DAP-Vinachem Nguyễn Hoàng Trung nhấn mạnh, nếu Luật Thuế 71 được sửa đổi theo hướng đưa phân bón vào danh mục hàng chịu thuế, đối với doanh nghiệp sản xuất phân bón, ngành sản xuất phân bón trong nước sẽ có nhiều tác động tích cực, như giảm được chi phí thuế đầu vào, dẫn tới giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh trên thị trường; các doanh nghiệp sẽ có nguồn lực, động lực để gia tăng đầu tư, tái đầu tư, nâng cấp, sửa chữa máy móc thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất,… ■