Công ty TNHH Xây dựng Sơn Tùng thành lập năm 1992, do anh Mai Thanh Tùng làm giám đốc, khi đó vừa tròn 20 tuổi. Đó là thời gian mà anh Tùng gặp nhiều khó khăn nhất, nhiều công trình nhận thi công biết lỗ nhưng vẫn làm, bởi nếu không thi công thì hoạt động của công ty sẽ đình đốn. Vậy nên, anh quyết tâm phải thi công để khấu hao máy móc, thiết bị, nộp bảo hiểm cho người lao động, nhằm chứng minh rằng doanh nghiệp vẫn tồn tại, được ngân hàng cho vay vốn, cũng như để các chủ đầu tư tiếp tục chọn là đối tác được quan tâm…
Những năm tiếp theo, nhờ hướng đầu tư đúng, công ty mở rộng kinh doanh từ xây lắp dân dụng, làm gạch tuynel. Qua tìm hiểu, anh Tùng được biết Lục Yên có nhiều mỏ đá trắng, nguồn đá phế liệu được thải ra từ các nhà máy chế biến đá khối, đá tấm rất nhiều. Anh Tùng quyết định đầu tư nhà máy nghiền bột đá xuất khẩu từ nguyên liệu tận dụng của các nhà máy khác. Việc mở rộng này đã thu hút hàng trăm lao động trên địa bàn, với công suất nhà máy đạt 50.000 tấn/năm, doanh thu bình quân hằng năm đạt 60 tỷ đồng. Nhờ có vốn, anh Tùng bắt đầu nghĩ đến việc chuyển hướng sản xuất nông nghiệp xanh.
Nếu như trước đây, cam sành Lục Yên nổi tiếng trên thị trường trong và ngoài tỉnh do quả to đều, vỏ màu vàng óng, vị ngọt, thì gần đây nhiều diện tích cam bị thu hẹp vì cây cam già cỗi, giống bị thoái hóa, quả nhỏ, xấu và chua… nên bị người tiêu dùng lãng quên. Nhận thức được thế mạnh của thổ nhưỡng và khí hậu, công ty của anh Tùng đã bỏ kinh phí ra mua những quả đồi hoang, sau đó cải tạo đất đồi và đưa cây cam, cây quýt vào trồng. Sau gần bảy năm lao động vất vả, đất đai, khí hậu đã không phụ lòng người, các đồi cam đã cho trái chín trĩu cành, đem lại nguồn thu cao từ phát triển nông nghiệp xanh.
Để phát triển cây cam sành thành công, anh Tùng đã mời các chuyên gia Trường đại học Nông nghiệp về nghiên cứu, khôi phục và lai tạo lại giống cam của địa phương; đồng thời, đưa một số giống mới có năng suất, chất lượng và có hiệu quả kinh tế cao vào trồng như cam đường Canh, cam Vinh vào canh tác.
Đến nay, công ty đã trồng và phát triển được 15 vườn cam, diện tích hơn 200 ha; trong đó, hơn 100 ha trồng tại thị trấn Yên Thế, xã Tân Lĩnh, Tô Mậu, huyện Lục Yên; 100 ha trồng tại xã Lương Sơn, Tiên Yên, Tiên Kiều của tỉnh Hà Giang; cơ cấu 70% diện tích phát triển cây cam sành, 30% diện tích trồng các giống cam chất lượng có giá trị kinh tế cao như cam Vinh và cam đường Canh, bưởi da xanh…
Do trồng và phát triển cây cam theo tiêu chuẩn cam sạch, không sử dụng thuốc hóa học, dùng bẫy côn trùng, dùng phân hữu cơ... nên sản phẩm cam có chất lượng tốt, quả vỏ mỏng, đẹp, thơm và ngọt, vụ nào cũng tiêu thụ hết. Năm 2023, công ty thu hoạch được hơn 800 tấn quả, với giá bán bình quân 20.000 đồng/kg đã mang lại doanh thu hơn 15 tỷ đồng. Vụ 2024 này, qua chăm sóc tốt, được mùa quả hơn mọi năm, ước sẽ đạt hơn 900 tấn và doanh thu đạt khoảng gần 20 tỷ đồng.
Trong những năm tới, công ty sẽ đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào thâm canh sản xuất, mở rộng diện tích, để nâng cao chất lượng sản phẩm cam sành đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, nâng cao doanh thu, góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động địa phương. Việc phát triển cây cam trên đất Lục Yên có hiệu quả đã lấy lại thương hiệu cho sản phẩm cam Lục Yên, nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho người dân địa phương. Đây là hướng đi đúng của anh Mai Thanh Tùng được chính quyền và người dân trong vùng học tập làm theo.