Sinh năm 1972, sau khi học xong trung cấp kế toán, chuyên ngành nông lâm nghiệp, ở tuổi 21, Lê Mai Hiền lấy vợ lập nghiệp ở xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái). Nhà có tám anh em, lại là con trai thứ cho nên Hiền làm đủ nghề để phụ giúp bố mẹ nuôi các em ăn học. Từ việc buôn bán đậu phụ, cá tép dầu, may quần áo... ở mặt đường quốc lộ 70, có thêm ít vốn, anh Hiền đi buôn gỗ để kiếm sống. Năm 2000 cơ duyên đến, khi đi thu mua gỗ ở Khe Hùm, gặp ông Trần Ngọc An có trang trại cần bán, anh Hiền vay mượn đủ 92 triệu đồng để mua trang trại của bảy hộ dân chung quanh cần bán, được 100ha đất rừng.
Có đất, anh căng mình làm việc quần quật hơn cả người làm thuê, tự trồng các cây lâm nghiệp như keo, bồ đề, bạch đàn, trẩu… Ở những chân đồi thấp, anh Hiền cũng tận dụng trồng lúa, sắn theo hướng lấy ngắn nuôi dài. Các khe được ngăn đập, chặn nước tạo được 14 ao thả cá, trên đồi nuôi trâu, bò, dê, gà cải thiện đời sống.
Vượt lên tất cả khó khăn ban đầu, các cánh rừng lau lách ngày nào được thay bởi rừng cây xanh tốt, đến kỳ thu hoạch rừng trồng đạt lợi nhuận 400 triệu đồng/ha, có thêm vốn, anh Hiền mở xưởng chế biến gỗ ghép thanh, gỗ cốt-pha từ gỗ rừng trồng. Mô hình trang trại tổng hợp và cơ sở kinh doanh chế biến gỗ của anh Lê Mai Hiền mỗi năm mang về doanh thu hơn 10 tỷ đồng, trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận ước tính hơn ba tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.
Dẫn chúng tôi đi thăm ao cá hơn 1ha, hai bên đang có hơn 10ha quế, anh Hiền cho biết thêm, ngoài việc duy trì ổn định các diện tích cây trồng và xưởng chế biến gỗ, anh đang ấp ủ ý tưởng xây dựng khu du lịch thể thao dựa trên những tiềm năng về đất đai, bản sắc văn hóa cũng như điều kiện sẵn có của địa phương. Đó là bắt tay vào quy hoạch khu sân chơi, đường giao thông hai bên trồng cây phong linh được nhập từ Singapore; trồng 5ha cây hỗn giao như: Dổi, lát, gù hương, sưa, chò chỉ...
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Nguyên Sạch Văn Mùi cho biết, xã hiện có hơn 2.300ha đất rừng, trong đó rừng trồng sản xuất hơn 1.800ha. Để phát huy tiềm năng và lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, xã chú trọng trồng rừng với nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao, sản lượng gỗ hằng năm đạt từ 6.000-7.000m3, giá trị đạt hàng chục tỷ đồng, giúp người dân thoát nghèo, đạt chuẩn nông thôn mới.
Là người năng động, nhạy bén phát triển kinh tế, anh Lê Mai Hiền đã tạo việc làm cho 40 lao động địa phương với thu nhập ổn định; mỗi năm đóng góp cho ngân sách địa phương từ 300 đến 350 triệu đồng. Gia đình anh Hiền còn tích cực ủng hộ các khoản quỹ của địa phương từ 50-60 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn, đường điện thắp sáng vùng quê.