Kết chạ - giữ một nếp xưa

Hà Nội là đô thị hàng đầu cả nước, nhưng một phần quan trọng của đô thị Hà Nội vốn từ làng lên phố. Chưa kể, vùng ngoại thành của Thủ đô cũng rất lớn, với hàng nghìn làng quê. Nhiều làng quê có tục kết chạ. Làng nọ với làng kia kết nghĩa với nhau, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn. Hôm nay, dù có nơi đã “lên phố”, người dân vẫn lưu giữ những nét đẹp có từ xa xưa.
0:00 / 0:00
0:00
Rước kiệu trong Lễ hội kết chạ hai làng Kiều Mai - Phú Mỹ.
Rước kiệu trong Lễ hội kết chạ hai làng Kiều Mai - Phú Mỹ.

Không rõ tục kết chạ có từ bao giờ, nhưng kết chạ là một nét văn hóa nổi bật của nhiều làng quê Hà Nội. Kết chạ là khi làng nọ kết nghĩa, hay còn gọi là “ăn chạ”, “giao hiếu” với làng kia. Một khi đã kết nghĩa các làng sẽ giúp đỡ nhau khi thiên tai, địch họa, hay những khi đói kém, mất mùa… Có những nơi hai làng kết nghĩa với nhau, nhưng cũng có những địa bàn, ba, bốn làng cùng kết nghĩa.

Một trong những điển hình của tục lệ này là câu chuyện kết chạ giữa hai làng Nga My (xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai) và làng Vạn Phúc (huyện Thanh Trì). Tương truyền, xưa có một đoạn đê sông Hồng (nằm trên địa bàn hai xã Ngũ Hiệp và Vạn Phúc, huyện Thanh Trì) liên tục bị vỡ mà không có cách nào để khắc phục. Nhà vua được báo mộng đoạn đê này phải do dân làng Ðịch Vạn (nay thuộc xã Vạn Phúc) đắp mới khắc phục được. Người dân Ðịch Vạn sau đó đã đắp lại đoạn đê này, dài khoảng 1,5km. Lúc đắp đê xong thì mới biết, đoạn đê này vốn do làng Nga My phụ trách. Cảm động trước nghĩa cử đó, hai làng xin vua cho kết chạ để sau này giúp đỡ nhau. Mỗi khi làng nọ sang thăm làng kia, thì hai bên cung kính gọi nhau là “quan anh”.

Người dân hai làng Phú Mỹ và Kiều Mai cũng gắn kết với nhau qua tục kết chạ. Ðây là hai làng hiếm hoi còn giữ được bản khoán ước được chức sắc hai bên thống nhất ký kết ngày 10/4/1745 (âm lịch). Bản khoán ước này bị hỏng cho nên được chép lại tháng 6/1933 (âm lịch). Hai bên cam kết giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống.

Trên thực tế, khi Kiều Mai có dịch bệnh làm chết nhiều trâu, bò, người Phú Mỹ mang trâu sang cày giúp và ngược lại. Hai bên giúp nhau trong nhiều trường hợp khác. Vào những năm được mùa, hai bên sẽ họp bàn kết tình giao hiếu, rước thánh làng này sang dự hội làng kia. Khi kiệu thánh làng này rước sang, thì kiệu thánh làng kia rước ra tận đầu làng nghênh đón.

Hiện nay, thôn Phú Mỹ thuộc phường Mỹ Ðình 2, quận Nam Từ Liêm, còn thôn Kiều Mai thuộc phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, những tục lệ xưa vẫn được người dân gìn giữ. Mỗi năm, lễ hội giao hiếu tổ chức một lần. Lễ hội kết chạ Phú Mỹ-Kiều Mai đã được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long khẳng định, cùng với việc Lễ hội trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, quận Nam Từ Liêm sẽ tăng cường tuyên truyền giá trị đặc sắc của Lễ hội để các tầng lớp nhân dân ngày càng tự hào về loại hình di sản văn hóa riêng có của địa phương; tăng cường quản lý, bảo vệ, tu bổ, phát huy giá trị các di tích gắn với lễ hội.

Làng Lê Xá (xã Mai Lâm, huyện Ðông Anh) kết chạ với làng Thanh Am (nay thuộc phường Thượng Thanh, quận Long Biên). Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, hàng trăm người Thượng Thanh đã tản cư sang Lê Xá, được dân ở đây giúp nơi ăn chốn ở, dạy nghề đan lát, vặn thừng... kiếm sống. Giờ qua bao năm tháng, hai bên vẫn giữ mối giao hảo có từ lâu đời.

Có địa phương kết chạ bắt nguồn từ yếu tố tâm linh như tục kết chạ giữa hai làng Bối Khê (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai) và Tiên Lữ (xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ). Tục lệ này xuất phát từ việc nhà sư Nguyễn Bình An - người có nhiều phép thuật và cứu giúp nhân dân khỏi hoạn nạn - sinh ở Bối Khê, nhưng trụ trì chùa Trăm Gian ở làng Tiên Lữ. Mấy trăm năm nay, hai làng vẫn giữ mối quan hệ đặc biệt, làng nọ luôn cử người sang làng kia mỗi khi có việc, đi kèm với đó là những tập tục đẹp trong ứng xử.

Trên địa bàn Hà Nội hiện có hàng trăm làng có tục kết chạ. Tục kết chạ thể hiện một nét đẹp trong văn hóa ứng xử của cha ông xưa. Xã hội có nhiều thay đổi, nhiều làng đã lên phố nhưng người dân vẫn có ý thức lưu giữ nét đẹp xưa.