Về dự Ngày hội văn hóa thể thao của huyện Hải Hậu (Nam Định) được tổ chức vào dịp Quốc khánh 2/9, nhiều du khách rất thích thú và bày tỏ khâm phục trước các tiết mục biểu diễn của những “nghệ sĩ” thuộc đội cà kheo các xã Hải Lý, Hải Triều, Hải Đông. Trên những đôi cà kheo lênh khênh cách mặt đất từ 2-3 mét, những người dân vùng quê biển hóa thân thành các nghệ sĩ diễu hành, biểu diễn nhạc cụ, múa lân, đấu kiếm thật điêu luyện; điều khiển đôi cà kheo tài tình với những bước đi, bước nhảy, bước đổi chân một cách linh hoạt, biến hóa, tạo không khí vui tươi, sôi nổi trong ngày hội. Phải tận mắt nhìn mới thấy hết nét đẹp tinh tế, độc đáo nghệ thuật cà kheo của những cư dân vùng chân sóng.
Ông Nguyễn Quang Đức, đội trưởng đội cà kheo xã Hải Lý cho biết, không phải ngẫu nhiên mà từ công cụ gắn liền với cuộc sống lao động, cà kheo đã trở thành một bộ môn nghệ thuật trong đời sống của các ngư dân ven biển. Đôi chân gỗ lênh khênh được điều khiển thuần thục không chỉ trên nền cát mà cả trên nền đất cứng là nhờ quãng thời gian sau khi quăng chài, kéo lưới, lúc tạm nghỉ, những ngư dân chơi đùa cùng nhau trên đôi cà kheo ấy, lâu dần thành quen.
Cũng chính những ngư dân ấy đã sáng tạo, khổ công luyện tập, nâng tầm hoạt động thường ngày trở thành nghệ thuật khi đưa cà kheo vào các lễ hội quê hương, kết hợp với các loại hình nghệ thuật dân gian khác như múa lân, múa sư tử, đấu kiếm... để biểu diễn trên cạn.
Ở huyện Nghĩa Hưng (Nam Định), có đội cà kheo làng Quần Vinh thuộc xã Phúc Thắng cũng nức tiếng trong và ngoài tỉnh bởi lối diễn phong phú. Những bậc cao niên ở làng Quần Vinh cho biết: Từ rất lâu rồi, những người dân vùng biển Nghĩa Hưng đã sử dụng cà kheo (dân trong nghề gọi là đi kheo) để cào ngao và đánh bắt tôm, moi, cá nhỏ.
Huyện Nghĩa Hưng nằm ngay vùng cửa sông đổ ra biển, mực nước không đủ sâu để tàu thuyền đánh bắt cá có thể thuận lợi hoạt động cho nên người dân đã sáng tạo ra cà kheo và trên thực tế những đôi cà kheo đã chứng minh giá trị là công cụ ra khơi linh hoạt, hiệu quả. Khi đi kheo, ngư dân có thể đánh bắt được tôm, cá ở cả những nơi sâu 3-4 mét mà vẫn hạn chế được việc phải ngâm mình trong nước mặn cả ngày, có thể dễ dàng đối phó với các bãi sình và đáy biển nhiều bất trắc. Ngày nay, cà kheo tuy không còn được sử dụng phổ biến để đánh bắt thủy sản nữa, nhưng do đi kheo rất độc đáo cho nên đã trở thành một môn nghệ thuật được nhiều người quan tâm.
Các tiết mục biểu diễn của các đội cà kheo ở những vùng quê biển thuộc tỉnh Nam Định từ xưa đến nay ngoài tái hiện lại cuộc sống lao động của ngư dân với những phương thức đánh bắt thủy sản như: Cất te, đi xẻo, quăng chài; còn có thêm các trò diễn như: Múa sư tử, múa gậy, múa quạt hay hóa thân vào các nhân vật cổ tích đều liên quan đến các sự kiện lịch sử mang tín ngưỡng phồn thực, cầu cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Mỗi đội cà kheo đều có tích trò riêng. Nếu đội cà kheo xã Phúc Thắng (huyện Nghĩa Hưng) lấy trò đấu kiếm, xà đơn, xà kép, đá bóng làm điểm nhấn, thì đội cà kheo xã Hải Lý, Hải Đông (huyện Hải Hậu) lại chọn múa lân, múa rồng, chú Tễu cầm quạt, đánh trống làm trọng tâm... Mỗi đội có nét độc đáo riêng nhưng đều mang đậm phong cách đặc trưng vùng miền, thể hiện nét tài hoa và tinh thần kiên cường của người dân vùng chân sóng.
Gần đây, du lịch biển ở các huyện: Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy khá phát triển, không ít người đã đề nghị chính quyền địa phương, ngành chức năng hỗ trợ, tạo điều kiện, khuyến khích ngư dân dùng việc đi kheo bắt cá để thu hút du khách. Nếu làm được, đây sẽ như lưu giữ một nét văn hóa đặc trưng, nhắc nhớ về những giá trị văn hóa kết tinh trong suốt hành trình khai hoang lấn biển, trị thủy lập làng; đồng thời đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.