Tiên Yên bảo tồn văn hóa truyền thống

Với 13 dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn, huyện miền núi Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh chứa đựng một nét riêng, độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc. Để bảo tồn, gìn giữ và phát huy mạnh mẽ giá trị các di sản văn hóa truyền thống, những năm qua, huyện Tiên Yên đã có nhiều giải pháp, quan tâm đầu tư thỏa đáng, từng bước nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa trong đời sống xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Giao lưu hát soóng cọ của đồng bào dân tộc Sán Chỉ, huyện Tiên Yên trong lễ hội mùa vàng được tổ chức hằng năm.
Giao lưu hát soóng cọ của đồng bào dân tộc Sán Chỉ, huyện Tiên Yên trong lễ hội mùa vàng được tổ chức hằng năm.

Huyện Tiên Yên có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khá cao cùng là một nền văn hóa truyền thống, đặc sắc, đa dạng của đồng bào các dân tộc Dao, Sán Chỉ, Tày, Sán Dìu. Đây cũng là nguồn lực nội sinh góp phần xây dựng huyện sớm trở thành Trung tâm Văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc, đồng thời là động lực thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển bền vững.

Bí thư Huyện ủy Tiên Yên Nguyễn Chí Thành cho biết: Huyện luôn quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình văn hóa, văn nghệ truyền thống đặc trưng, văn hóa các dân tộc thiểu số. Trong đó, huyện đặc biệt quan tâm xây dựng mô hình một số thôn, làng, bản trở thành "bảo tàng sống" nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc, gắn với phát triển du lịch. Hiện nay, huyện đã triển khai hiệu quả các đề án về văn hóa, chú trọng văn hóa của 4 dân tộc chiếm số đông với 4 lễ hội lớn, đồng thời bố trí nguồn lực để bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Mục tiêu cụ thể mà huyện Tiên Yên hướng đến là năm 2025 sẽ xây dựng được mỗi xã, phường tối thiểu có một mô hình về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, quy hoạch và triển khai trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, nâng tầm quy mô và chất lượng các lễ hội dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ, Sán Dìu, lễ hội đua thuyền truyền thống và các nghi lễ đặc trưng, như: Lẩu then, cầu mùa, cấp sắc, đại phan gắn với phát triển du lịch.

Hiện nay, Tiên Yên đang phát huy mạnh mẽ, hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây, như: Âm nhạc dân tộc, lễ cầu mùa, cấp sắc, lễ rước dâu, lễ đại phan, trang phục các dân tộc Dao, Sán Chỉ, Sán Dìu, nhà trình tường, hát soóng cọ, nghệ thuật ẩm thực dân gian, trò chơi dân gian được bảo tồn tốt, trở thành chất liệu được khai thác tạo sức hút cho du lịch. Điển hình nhất là ở sản phẩm du lịch Phố đi bộ "Hồn xưa nét cũ, Tiên Yên phố".

Chị Chíu Nhì Múi, Bí thư Đoàn xã Đại Dực chia sẻ: Nhà cổ người Sán Chỉ là một địa danh có tính lịch sử trên địa bàn xã. Đây là địa chỉ để chúng tôi giới thiệu về nét đẹp văn hóa dân tộc Sán Chỉ cho các thế hệ trẻ, nhân dân và du khách. Tuyến đường đá sau khi xây dựng góp phần tạo thuận lợi trong việc di chuyển lên nhà cổ, giữ nguyên nét cổ xưa của ngôi nhà. Thông qua phần việc này, thanh niên được thể hiện mong muốn góp sức bảo tồn văn hóa, xung kích, tình nguyện xây dựng quê hương.

Những năm qua, huyện đã có nhiều nghị quyết về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa theo từng giai đoạn nhằm phát huy giá trị các di sản trên địa bàn, đồng thời xây dựng các đề án bảo vệ, phát huy giá trị các danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa, lịch sử, bảo tồn cây di sản và nhà cổ của các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Tiên Yên hiện có 6 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 15 di tích đã được kiểm kê phân loại và phát huy giá trị; hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở ngày càng phát huy hiệu quả.

Bí thư Huyện ủy Tiên Yên Nguyễn Chí Thành chia sẻ: "Văn hóa các dân tộc thiểu số là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam thống nhất, đa dạng. Với quan điểm đó, những năm qua, Quảng Ninh đã dành nhiều nguồn lực xây dựng, thực hiện các đề án bảo tồn văn hóa, đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ vùng dân tộc thiểu số, nhất là ở khu vực miền đông của tỉnh. Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc, xây dựng nền văn hóa Quảng Ninh giàu bản sắc".