Chúng tôi về xã Mỹ Hưng, huyện Mỹ Lộc (Nam Định), may mắn gặp được đủ “bộ tứ nòng cốt” của tổ chèo làng Đặng Xá. Đọc bốn câu thơ Nguyễn Bính viết: “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy/Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ/Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay”, ông Đặng Văn Hải năm nay đã 81 tuổi giọng trầm buồn: “Chèo làng Đặng chúng tôi đã từng lừng danh khắp trong nam ngoài bắc một thời, đi vào thơ của Nguyễn Bính trong bài thơ “Mưa Xuân”. Trong giai đoạn hoạt động mạnh mẽ và sôi nổi nhất (từ 1960-1980), đội chèo làng Đặng đã đoạt hàng chục giải thưởng trong và ngoài tỉnh, trong đó có giải nhất hội thi diễn chèo toàn tỉnh, giải nhất hội thi diễn chèo Quân khu 3, nhưng rồi mai một dần đi”.
Ông Đặng Văn Hải cho biết thêm: “Không thể sống trên đất chèo mà để chèo im tiếng, chúng tôi - những người con Đặng Xá vẫn nặng lòng với chèo, đã tập hợp nhau lại, thành lập nên tổ chèo làng Đặng, đến nay vừa tròn 20 năm”. Tổ chèo làng Đặng từ 10 thành viên ban đầu hiện đã có 24 người tham gia, người trẻ nhất cũng gần 50 tuổi nhưng vẫn luôn hăng hái, nhiệt tình mang tiếng trống và những làn điệu chèo say đắm, thiết tha phục vụ người dân trong và ngoài tỉnh; nhất là trong những dịp lễ hội, các hội nghị của xã, thôn không bao giờ thiếu vắng âm thanh rộn ràng của những làn điệu chèo.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đỗ Quang Trung cho biết: Chèo vốn được coi là “đặc sản” của Nam Định với sự hình thành rất nhiều làng chèo, phường chèo, gánh chèo từ đầu thế kỷ 20. Trong đó, huyện Ý Yên nổi tiếng với các làng chèo Yên Phong, Yên Trị, Yên Chính, Yên Thọ, Yên Cường; huyện Nam Trực có các phường chèo cổ gắn kết với các phường múa rối nước làng Rạch, làng Giáp Nhất; huyện Mỹ Lộc nổi tiếng với đội chèo các làng Đặng Xá, Quang Sán, Nhân Nhuế; huyện Vụ Bản có làng chèo Hào Kiệt... Các gánh chèo xưa tuy đã mai một nhưng chèo vẫn được duy trì trong lễ hội làng truyền thống, các hội thi, hội diễn, ngày vui của cộng đồng người dân Nam Định.
Thời gian qua, tỉnh Nam Định luôn quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị của các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Có thể kể đến như việc nghiên cứu điền dã, sưu tầm tư liệu, lấy ý kiến của cộng đồng, quay phim, chụp ảnh, khảo sát, phỏng vấn nghệ nhân... nơi có thực hành nghệ thuật chèo tại các địa phương của tỉnh Nam Định để cùng với tỉnh Thái Bình và 14 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật chèo Đồng bằng sông Hồng” đệ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định đang tiến hành rà soát các quy định và lấy ý kiến các ngành có liên quan để xây dựng dự thảo quy định mức chi khen thưởng đối với tập thể, cá nhân đạt thành tích cao trong các kỳ thi, cuộc thi, hội diễn quốc tế, quốc gia thuộc lĩnh vực nghệ thuật chuyên nghiệp; mức chi khen thưởng, bồi dưỡng tổ chức, tập luyện và biểu diễn nghệ thuật quần chúng trên địa bàn tỉnh Nam Định, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt trong thời gian tới, nhằm tạo động lực mạnh mẽ hơn để các nghệ nhân tiếp tục cống hiến, góp phần bảo tồn bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc; qua đó, góp phần giữ gìn, bảo vệ và phát huy các giá trị của nghệ thuật chèo Nam Định nói riêng, nghệ thuật chèo Đồng bằng sông Hồng nói chung.