Đình cổ, nghề cổ ở An Tường

Trải qua biến thiên của lịch sử, những ngôi đình cổ ở An Tường - một xã nằm ngoài đê tả sông Hồng, vẫn là trung tâm kết nối cộng đồng của người dân trên vùng đất Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
0:00 / 0:00
0:00
 Đình Bích Chu gần 300 tuổi được giữ gìn nguyên trạng.
Đình Bích Chu gần 300 tuổi được giữ gìn nguyên trạng.

Nghề mộc đã làm rạng danh vùng đất An Tường từ xa xưa, minh chứng là bốn ngôi đình cổ của bốn thôn thì có tới ba đình (Bích Chu, Thủ Độ và Cam Giá) được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Đình thứ tư là Kim Đê được xếp hạng Di tích cấp tỉnh. Đình nào cũng to lớn, uy nghiêm, là nơi diễn ra các sự kiện quan trọng nhất của làng.

Tại hai làng mộc Bích Chu và Thủ Độ, nhà cửa san sát, ngõ hẻm quanh co, chung quanh bao bọc bởi những cánh đồng xanh mướt. Thợ mộc hai làng nổi tiếng khéo tay khắp vùng. Trước đây họ vác cưa đục đi cả tháng, ai thuê thì làm. Dù nghề mộc có lúc thăng trầm, song người dân hai làng này vẫn gắn bó với nghề cha truyền con nối. Những nghệ nhân danh tiếng như các ông Phùng Văn Dích, Phùng Văn Vàng được mời đi khắp nước làm nhà cổ, nhà thờ, đồ thờ hoặc xây dựng, phục chế đình, đền, chùa, miếu.

Nghề mộc gắn với tên tuổi các ngôi đình cổ ở An Tường, tài năng của người thợ thể hiện qua những nét chạm khắc tinh tế, ghép mộng chính xác. Đình Cam Giá là nơi thờ Cao Sơn đại vương và Cự Hải đại vương có công đánh thắng giặc thời Hùng Vương, được xây từ năm Đinh Mão 1811 dưới triều Vua Gia Long. Sau hơn 200 năm, đình vẫn tương đối vẹn toàn và trở thành điểm nhấn mỹ thuật cổ truyền của dân tộc.

Đình được các nghệ nhân đục chạm công phu, tỉ mỉ, phản ánh kỹ thuật dùng gỗ thời đó đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc cổ. Kết cấu khung được làm từ những thân gỗ tốt, tường gạch rêu phong cổ kính. Tòa đại bái gồm 5 gian, dài 21,7m, rộng 9,8m, gồm 60 cột nâng đỡ. Ba phía được ghép sạp vào chân cột để dân làng ngồi hội họp, dự tiệc. Tất cả các hạng mục, chi tiết bằng gỗ được chạm trổ công phu, tỉ mỉ, đề tài trang trí sinh động. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đàm Xuân Huyên kể: Hằng năm cứ vào ngày 9/1 Âm lịch, nhân dân trong vùng lại thực hiện nghi lễ rước nước tắm Thánh, nô nức tổ chức hội làng.

Cách đó không xa là đình Bích Chu, thờ đức thánh Lý Nhã Lang, người có công đánh thắng giặc ngoại xâm vào thế kỷ thứ 6. Đình được xây dựng từ năm 1746, được gia cố vững chắc. Đình Bích Chu được trang trí, chạm khắc hoa văn khá công phu, tỉ mỉ. Trải qua gần 300 năm, đình được giữ nguyên bản, chỉ thay một cái cột. Các cột đều làm bằng gỗ đinh, không hề bị mối mọt; những rãnh nhỏ, chạy dọc thân cột do phong hóa của thời gian. Nghệ nhân Trương Văn Điếm, 75 tuổi, thủ từ của đình cho biết, hiện đình đã được nâng lên 2,6m để tránh bị ngập. Bây giờ người làng sử dụng máy móc hiện đại làm đồ gỗ nhưng vẫn phải nể phục các nghệ nhân xưa với nét chạm khắc rất tinh tế.

Đình Thủ Độ được xây dựng cùng thời với đình Bích Chu. Đại đình được xây dựng trên hệ thống cột có sáu hàng chân bằng gỗ tốt, chắc khỏe. Cửa võng đình Thủ Độ có bốn ô, giữa mỗi ô trang trí một phù điêu tượng quan nội hầu mũ áo chỉnh tề, chắp tay đứng hầu. Thứ tư là đình làng Kim Đê thờ Thổ Lệnh và Thạch Khanh, những nhân vật có tài chữa bệnh cho người dân. Bốn ngôi đình Cam Giá, Bích Chu, Thủ Độ, Kim Đê tạo thành một quần thể di tích lịch sử văn hóa độc đáo, lưu giữ nền văn hóa dân gian của cư dân ven sông Hồng.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã An Tường Kiều Thị Mơ cho biết: Chính quyền xã rất quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Việc thực hành tín ngưỡng được tiến hành rất cẩn trọng, theo lối cổ. Các lễ hội được tổ chức trang trọng, thu hút đông đảo người dân về dự. Tổng cộng có 18 xã trong vùng thờ thánh Lý Nhã Lang, hằng năm cả 18 xã tổ chức tiệc tưng bừng vào tháng 10 Âm lịch.

Tới đây, xã An Tường được sáp nhập với xã bên cạnh và đổi sang tên mới. Nhưng dù thế nào thì những ngôi làng cổ của An Tường vẫn giữ nguyên tên cổ và nghề mộc An Tường vẫn được biết đến như một di sản văn hóa của vùng đất này.