Dù ai buôn đâu bán đâu / Mùng chín tháng tám chọi trâu thì về/ Dù ai buôn bán trăm nghề/ Mùng chín tháng tám thì về chọi trâu". Câu ca cổ xưa đã gắn bó suốt chiều dài lịch sử của mảnh đất và cư dân miền biển Ðồ Sơn, thể hiện truyền thống và sức sống của lễ hội mang đậm tinh thần thượng võ, tính táo bạo và lòng quả cảm độc đáo của người dân Ðồ Sơn.
Bí thư Quận ủy Ðồ Sơn Bùi Hùng Thiện cho biết, từ năm 1990, lễ hội chọi trâu truyền thống Ðồ Sơn được khôi phục và đều đặn tổ chức. Nhờ những nội dung mang giá trị độc đáo, lễ hội chọi trâu Ðồ Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ðây là niềm vinh dự, đồng thời là trách nhiệm to lớn của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Ðồ Sơn trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển lễ hội cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Ðỗ Huy Hoàng, Phó Giám đốc Quỹ Văn hiến Việt Nam, lễ hội chọi trâu Ðồ Sơn có sự giao thoa giữa những yếu tố văn hóa nông nghiệp đồng bằng với văn hóa cư dân vùng ven biển, gắn liền việc thờ cúng thủy thần với nghi lễ chọi trâu và hiến sinh trâu. Tính thượng võ thể hiện từ phần lễ và phần hội chọi trâu cũng chính là tinh thần của văn hóa truyền thống trong các thế hệ nối tiếp nhau của người Việt.
Thực tế đã chứng minh, trong suốt 35 năm qua, lễ hội chọi trâu Ðồ Sơn không ngừng được hoàn thiện, nâng cao về quy mô, nâng tầm về chất lượng, đồng thời vẫn giữ nguyên những yếu tố dân gian, những giá trị văn hóa truyền thống của "tiền nhân" để lại.
Sự độc đáo của lễ hội chọi trâu Ðồ Sơn thể hiện ở nét sinh hoạt văn hóa tâm linh, bản sắc văn hóa truyền thống mang tính cộng đồng dân tộc. Ðó là quan điểm của người Ðồ Sơn thể hiện qua câu tục ngữ "Trống mọi làng cùng đánh, thánh mọi làng cùng thờ".
Vị thánh mà mọi làng cùng thờ ở đây là thượng đẳng thần "Ðiểm tước thần vương" - Thành hoàng của cả tổng Ðồ Sơn. Khi vào hội, tất cả các địa phương đều tham gia.
Lễ hội chọi trâu truyền thống Ðồ Sơn gồm hai phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ với những lễ nghi trang trọng, thấm đẫm văn hóa tâm linh của người Ðồ Sơn và phần hội với những pha đấu gay cấn, quyết liệt; những miếng đánh đẹp, dũng mãnh của những "Ông Trâu" được chọn lựa, chăm sóc, huấn luyện kỳ công... mang đến cho du khách và nhân dân những cảm xúc đặc biệt, những ấn tượng tốt đẹp, đồng thời góp phần tạo nên nét đẹp riêng trong đời sống văn hóa tinh thần của miền đất thân thiện, tràn đầy nắng và gió Ðồ Sơn.
Theo Giáo sư Ðặng Cảnh Khanh, Chủ tịch Hội đồng khoa học Quỹ Văn hiến Việt Nam, vượt qua mọi khó khăn trở ngại và những cuộc trao đổi, tranh luận trên các diễn đàn khoa học cũng như trong thực tiễn, lễ hội chọi trâu Ðồ Sơn đã tồn tại và cũng khẳng định được rõ hơn những mặt giá trị văn hóa tinh thần của nó. Lễ hội không chỉ thể hiện các giá trị văn hóa như một phần của tổng thể các di sản văn hóa vật chất và tinh thần của mảnh đất Ðồ Sơn, mà còn thể hiện giá trị về sự gắn kết cộng đồng.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Ðồ Sơn Phạm Hoàng Tuấn, Trưởng ban Tổ chức lễ hội trăn trở, mặc dù nhận được sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành, lãnh đạo thành phố, sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và sự tâm huyết của đông đảo nhân dân Ðồ Sơn, nhưng việc bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội chọi trâu truyền thống Ðồ Sơn cũng gặp không ít trở ngại. Ban tổ chức lễ hội cũng đã triển khai các phương án về huy động kinh phí từ các chủ trâu, ủng hộ của cá nhân, tổ chức và kết hợp doanh nghiệp du lịch lữ hành...; tuy nhiên, các nguồn thu này đều mang tính chất không ổn định và ngày càng ít đi.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Phương (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Ðại học Quốc gia Hà Nội), lễ hội chọi trâu Ðồ Sơn không chỉ có ý nghĩa văn hóa và tâm linh mà còn đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội chọi trâu Ðồ Sơn không chỉ là việc bảo vệ di sản quý giá mà còn là việc đầu tư vào tương lai văn hóa và kinh tế của khu vực...