Thường được tổ chức vào dịp cuối năm hoặc đầu xuân, Lễ cấp sắc là nghi lễ quan trọng nhất trong cuộc đời của người Dao Thanh Y. Theo phong tục, người con trai Dao Thanh Y dù có nhiều tuổi đến đâu, mà chưa trải qua lễ cấp sắc, coi như chưa có tên, chưa ghi danh, chưa được cộng đồng và các thần linh công nhận, sống không được tôn trọng.
Vì vậy, những nam giới người Dao Thanh Y đã qua cấp sắc được coi là người trưởng thành, được phép tham gia vào những công việc hệ trọng của làng, đủ tư cách thắp hương bàn thờ các ngày lễ Tết, cúng tổ tiên, đi cúng cầu may, cầu mùa cho hàng xóm, khi chết được về đoàn tụ với tổ tiên.
Nghi lễ cấp sắc của người Dao Thanh Y thường được tổ chức trong nhà, trước bàn thờ tổ tiên. Mâm lễ cúng trong Lễ cấp sắc được gia đình chú trọng chuẩn bị chu đáo. Lễ được sắp xếp đặc biệt theo phong tục truyền thống của người dân tộc Dao. Một mâm lễ mặn cúng gia tiên gồm một con gà trống luộc nguyên con, bên cạnh là thịt lợn và gan lợn luộc thái miếng to, buộc thành xâu, xếp trên chiếc mâm phủ lá vả tươi, một bát gạo, một chén gừng tươi, rượu trắng, nến và vàng mã. Mâm lễ cúng chay gồm một bát gừng giã nhỏ và bát đũa cúng mời các thầy cúng chính hỗ trợ cho buổi lễ.
Khi lễ được gia đình chuẩn bị chu đáo, xong xuôi, các thầy cúng treo lên các cờ phướn hình rồng, bông lúa, hình nộm các quân binh được cắt từ giấy và bộ tranh Tam Thanh gồm 7 tranh. Thực hiện các nghi thức tế lễ, thầy cả đọc các bài cúng, lệnh cấp sắc, múa chuông, múa sa ma, múa rồng cầu cho mọi sự hanh thông như mưa thuận gió hòa, múa gà cầu mong cho sự sinh sôi thuận lợi, múa quy mong muốn cho người được cấp sắc khỏe mạnh, sống lâu... Mỗi điệu múa được ѕử dụng trong một phần nghi lễ khác nhau, đạo cụ múa khác nhau, cúng đến phần nào thì múa theo tính chất của phần lễ đó.
Trong lễ tế, những người được cấp sắc sẽ gọi thầy cúng là sư phụ. Mỗi thầy cúng chính hay còn gọi là thầy cả sẽ có 2 thầy cúng phụ và các học trò. Thầy cúng sử dụng tiếng Nôm Dao thực hành các nghi lễ, nội dung các bài văn cúng giảng dạy về truyền thống, phong tục tập quán, khuyên răn đạo lý làm người, cách đối nhân xử thế để hướng tới cái thiện, tránh xa điều xấu, điều ác...
Người được cấp sắc trong buổi lễ sẽ được cấp tên thánh, bản sắc phong được phân ra dương bản và âm bản, một đốt, một để lại đến khi chết chôn theo để về trình với tổ tiên. Lễ cấp sắc có thể làm cho một người cũng có thể làm cho nhiều người nhưng thường thì không quá 7 người.
Lễ cấp sắc của người Dao Thanh Y chỉ tổ chức duy nhất một lần trong đời, thể hiện khát vọng của đồng bào về một cuộc sống sung túc, ấm no và hạnh phúc; đồng thời thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng. Ðặc biệt, lễ cấp sắc chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc thông qua các điều giáo huấn ghi trong sắc cấp cho người thụ lễ tuyệt đối không làm việc ác, điều xấu. Ðó là lẽ sống tôn sư trọng đạo, biết ơn đấng sinh thành, trọng tình trọng nghĩa, thủy chung với bạn bè.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thượng Yên Công Phạm Thị Phương Thúy cho biết: “Hiện nay, các phong tục tập quán của người dân tộc thiểu số trên địa bàn vẫn được duy trì và bảo tồn, điển hình là nghi lễ cấp sắc, hay còn gọi là nghi lễ đặt tên cho nam giới trong đồng bào Dao Thanh Y. Chính quyền địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp thông qua việc thực hiện các nghi lễ, đồng thời yêu cầu việc thực hiện các nghi lễ phải bảo đảm các quy định về thực hiện nếp sống văn hóa”.
Với truyền thống giáo dục mang tính tộc người, tục lệ cấp sắc đã tạo nên một nét văn hóa độc đáo, thể hiện sự đằm thắm, thận trọng, kín đáo của người Dao. Có lẽ cũng chính nhờ niềm tin vào tín ngưỡng riêng có đó mà biết bao thế hệ người Dao Thanh Y ở đây luôn mạnh khỏe, sinh sống ổn định, xây làng, lập ấp, trở thành những cộng đồng dân cư trù phú, yên bình dưới chân núi Yên Tử. Và bao đời qua, lễ cấp sắc của người Dao Thanh Y vẫn được lưu giữ, đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quý báu trong kho tàng văn hóa dân gian phong phú của Quảng Ninh.