Bảo tồn và phát huy nghệ thuật rối nước Hồng Phong

Điểm đặc sắc và hấp dẫn của Phường rối nước Hồng Phong, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, nằm ở cách điều khiển con rối, sao cho con rối có những cử động phức tạp, sinh động, xuất hiện bất ngờ tại các vị trí, tạo sự ngỡ ngàng, thích thú cho khán giả.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân Phường múa rối nước Hồng Phong giới thiệu các tích trò và nghệ thuật múa rối nước tại Thủy đình.
Nghệ nhân Phường múa rối nước Hồng Phong giới thiệu các tích trò và nghệ thuật múa rối nước tại Thủy đình.

Thông qua nhiều nhân vật rối nước như tiên nữ, tễu giáo đầu, tễu vuốt râu rồng, tễu leo cột… được chạm khắc trên đình làng Bồ Dương có thể xác định nghệ thuật rối nước nơi đây có từ thế kỷ 17.

Trải qua những biến cố lịch sử, rối nước Hồng Phong qua nhiều bước thăng trầm. Trong hai cuộc kháng chiến, nghệ thuật múa rối nước Hồng Phong ngừng hoạt động, tưởng chừng không thể khôi phục. Năm 1989, một số người dân yêu nghệ thuật múa rối nước ở làng Bồ Dương, tâm huyết với nét văn hóa xưa đã cùng chung tay khôi phục lại. Mọi người đã bỏ tiền của, công sức chế tác con rối, biên đạo các tích trò, dựng lại thủy đình.

Sau nhiều tháng ngày lao động miệt mài, nghệ thuật múa rối nước Bồ Dương đã hoạt động trở lại. Tháng 9/1992, Ủy ban nhân dân huyện Ninh Thanh (nay là Ninh Giang) ra quyết định thành lập Phường nghệ thuật múa rối nước Hồng Phong.

Ông Phạm Văn Tòng, Trưởng phường rối nước Hồng Phong nhớ lại: Những ngày khôi phục lại phường rối nước, tuy vất vả nhưng ai cũng hứng khởi. Người thì sáng tạo, khôi phục, biên đạo các tích trò, người có nghề mộc thì tạo hình và thổi hồn vào các con rối, người thì nghiên cứu thiết kế hệ thống dây, ròng rọc điều khiển rối…, tất cả đều xuất phát từ tình yêu với văn hóa, nghệ thuật truyền thống của quê hương. Sau đó, cả phường có tới 30 người tổ chức đi lưu diễn khắp nơi trong huyện và các địa phương lân cận, mang niềm vui cho mọi người.

Trong nghệ thuật múa rối nước, âm nhạc là linh hồn của vở diễn. Do sân khấu biểu diễn là ở ngoài trời, giữa ao, hồ cho nên rối nước cần âm thanh mạnh, để giữ tiết tấu và khuấy động không khí buổi diễn. Âm nhạc rối nước mang tính hội hè, tác động mạnh đến cả người diễn lẫn người xem. Những làn điệu dân ca Đồng bằng Bắc Bộ được thể hiện qua giọng ca ngọt ngào, mộc mạc và đằm thắm đã thổi hồn vào dàn rối nước tạo nên bức tranh làng quê sinh động, phản ánh không khí sôi động của đời sống lao động, sản xuất, lễ hội… đậm đà bản sắc.

Phường múa rối nước Hồng Phong có nhiều tích trò hấp dẫn trong dân gian như: múa tễu giáo đầu, múa rồng, múa tiên, chọi trâu, câu ếch, cáo bắt vịt… Bên cạnh đó là một số tích trò đương đại như: đền ơn đáp nghĩa, bảo vệ an ninh, chống mất cắp cổ vật, tiếng trống phủ Hạ Hồng.

Đặc sắc hơn cả là các vở rối cổ, rối dây mà điển hình là tích trò “Thần Kim quy dâng lửa đốt lá súy”, cầu phúc, cầu an cho dân làng, trong tích trò có pháo thăng thiên bay lên, đó là hiệu lệnh bật cờ cho sân khấu rối nước…

Anh Hoàng Văn Kiệt, quản lý một công ty lữ hành ở Hà Nội chia sẻ: Rối nước Hồng Phong có nhiều nét đặc sắc mà khách phương Tây yêu thích, tuy nhiên trong quá trình bảo tồn cần giữ nét đặc sắc của vùng quê Đồng bằng Bắc Bộ. Đối với khách quốc tế, họ không chỉ xem trình diễn mà còn tìm hiểu đời sống tinh thần, nét văn hóa truyền thống thông qua giao lưu với những nghệ sĩ nông dân. Do đó, giữ được bản chất thuần nông và không gian văn hóa làng xã sẽ là yếu tố hấp dẫn khách về lâu dài.

Theo ông Đào Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hồng Phong, từ ngày được khôi phục, Phường nghệ thuật múa rối nước Hồng Phong ngày càng phát triển. Phường đã đi biểu diễn nhiều nơi trong tỉnh và các tỉnh bạn; tích cực tham gia các hội diễn, liên hoan nghệ thuật múa rối trong cả nước và đạt thành tích cao.

Phường thường xuyên tổ chức biểu diễn các tiết mục tại địa phương và tổ chức lưu diễn phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế. Sự độc đáo và hấp dẫn của múa rối nước Hồng Phong đã thu hút rất nhiều đoàn khách Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Australia, Canada… về địa phương. Nhiều công ty lữ hành ở các tỉnh, thành phố đã ký kết hợp đồng biểu diễn phục vụ khách quốc tế với Phường rối nước Hồng Phong.

Huyện cũng đã xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận điểm du lịch nghệ thuật múa rối nước Hồng Phong, nhằm phát huy giá trị nghệ thuật rối nước, quảng bá một loại hình văn hóa đặc sắc của làng quê, góp phần nâng cao thu nhập cho các nghệ nhân và xây dựng nông thôn mới khang trang hiện đại, giàu bản sắc văn hóa.