Theo Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Ðịnh Trần Xuân Kiên, chùa Keo Hành Thiện thờ Ðức thánh tổ Thiền sư Dương Không Lộ - vị Quốc sư thời Lý có nhiều công lao cứu nước giúp dân, dạy dân nghề chài lưới, nông nghiệp, đúc đồng, làm thuốc…
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Keo Hành Thiện. Lễ hội chùa Keo Hành Thiện (tổ chức từ ngày 12 đến 15 tháng 9 Âm lịch), vào năm 2019, đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội chùa Keo Hành Thiện có từ lâu đời, là dịp để dân làng Hành Thiện thể hiện sự tri ân, lòng tự hào về một nhân vật lịch sử, một danh nhân đã có những đóng góp quan trọng đối với quốc gia Ðại Việt thời Lý.
Hằng năm, tại đây có 2 kỳ lễ hội lớn: Hội xuân và hội thu (tháng 9 Âm lịch) nhằm ngày sinh của thiền sư Không Lộ. Lễ hội mùa thu được tổ chức trong 3 ngày (từ 13 đến 15 tháng 9) với phần lễ gồm các nghi lễ chính, như: Lễ phụng nghinh, nghi lễ Thánh đản và khoa giáo rối; phần hội có nhiều hoạt động văn hóa dân gian mang đậm bản sắc văn hóa của cộng đồng địa phương, trong đó đặc sắc nhất là hội bơi chải, tạo nên sức hút đặc biệt, do đó mà người dân địa phương có câu ca: "Dù cho cha đánh mẹ treo/Em không bỏ hội chùa Keo hôm rằm".
Ông Nguyễn Tất Thắng, một người con quê hương Nam Ðịnh chia sẻ: Hội bơi chải mang ý nghĩa kỷ niệm nghề chài lưới thời niên thiếu của Ðức Thánh Tổ. Ðây là trò chơi hấp dẫn nhất của lễ hội chùa Keo Hành Thiện, môn thể thao độc đáo. Về lễ hội Chùa Keo mà không tham dự được hội bơi chải thì coi như chưa trọn vẹn niềm vui. Tham gia cuộc thi là các chân chèo nam giới, độ tuổi từ 20-30, sức khỏe dẻo dai, thạo nghề sông nước, có thể đứng chải suốt quãng đường đua dài hơn 60 km. Ở làng Hành Thiện có câu: "Trai xuống chải, gái quay tơ", có nghĩa là được xuống chải, lại được giải làng là niềm tự hào lớn lao của trai Hành Thiện.
Cùng với chùa Keo Hành Thiện, chùa Cổ Lễ cũng tổ chức lễ hội vào dịp tháng 9 Âm lịch. Chùa Cổ Lễ còn có tên gọi là Thần Quang Tự, là công trình kiến trúc văn hóa Phật giáo được xây dựng từ thế kỷ XII, ngoài thờ Phật còn thờ Ðức Thánh Tổ Thiền sư Nguyễn Minh Không, ngài được mệnh danh là "Nam Thiên Tam Vị Thánh Tổ".
Với kiến trúc độc đáo, kết hợp giữa văn hóa Ðông-Tây, chùa Cổ Lễ từ lâu đã trở thành một danh lam ở vùng Ðồng bằng sông Hồng, được xếp hạng Di tích Kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Lễ hội chùa Cổ Lễ diễn ra từ ngày 13 đến 16 tháng 9 Âm lịch hằng năm; là ngày hội tưởng niệm Ðức Thánh Tổ hóa thân (14/9), một ngày trọng đại đã đi vào tiềm thức nhân dân trong vùng: "Dù ai buôn bán trăm nghề/Mười tư tháng chín thì về hội Ông".
Ông Nguyễn Quang Trình, Trưởng ban Tổ chức lễ hội chùa Cổ Lễ cho biết: Ðây là một trong những lễ hội truyền thống tiêu biểu của tỉnh Nam Ðịnh còn bảo lưu được nhiều nghi thức văn hóa cổ truyền giàu tính nhân văn, như lễ rước Phật, đấu vật, đánh cờ người... phản ánh đời sống văn hóa phong phú, đa dạng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Ðặc biệt, trong lễ hội có tổ chức nghi lễ dâng hương tưởng niệm các nhà sư hy sinh trong các cuộc kháng chiến của dân tộc, là nét độc đáo riêng biệt tại lễ hội chùa Cổ Lễ. Theo tài liệu của Bảo tàng tỉnh Nam Ðịnh, năm 1947, tại chùa Cổ Lễ đã làm lễ phát nguyện cho 27 nhà sư xung phong ra mặt trận bảo vệ Tổ quốc. Trải qua thời gian, đến nay lễ hội chùa Cổ Lễ vẫn được nhân dân địa phương gìn giữ, bảo tồn và trao truyền qua nhiều thế hệ, trở thành di sản văn hóa đặc trưng tiêu biểu của tỉnh Nam Ðịnh. Với những giá trị tiêu biểu, năm 2023, lễ hội chùa Cổ Lễ đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.