Giữ gìn làn điệu Then cổ ở Bình Liêu

Huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) có hơn 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó người Tày chiếm hơn một nửa dân số toàn huyện, là nơi duy trì nhiều nghi lễ Then nói chung. Năm 2013, Then Tày đại diện cho Bình Liêu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây chính là tiền đề quan trọng để huyện Bình Liêu cũng như cộng đồng dân tộc Tày ở địa phương tiếp tục nhiệm vụ bảo tồn và phát huy vốn di sản quý giá này.
0:00 / 0:00
0:00
Hát Then đã trở thành nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Bình Liêu.
Hát Then đã trở thành nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Bình Liêu.

Cùng với những làn điệu Then cải biên, hát Then cổ được bà con người Tày thể hiện thông qua hình thức ca hát, có giai điệu, tiết tấu, nhịp phách rõ ràng; khi hát bao giờ cũng kèm theo tính tẩu và chùm xóc nhạc. Trải qua thăng trầm của lịch sử và thời gian, hát Then cổ vẫn tồn tại như một minh chứng cho sức sống và bản sắc văn hóa của tộc người Tày.

Người Tày hát Then là để cầu chúc cho nhau sức khỏe, an khang, mùa màng tốt tươi; để trao gửi tâm tình; cầu chúc cho nhau những điều tốt lành trong cuộc sống. Hát Then của người Tày huyện Bình Liêu hay còn gọi là diễn xướng Then, thể hiện dưới hai hình thức: Diễn xướng Then văn nghệ và diễn xướng Then nghi lễ. Âm điệu trầm bổng, dặt dìu cùng với lời hát diễn tả từng chặng đường đi của đoàn quân then: khi giục giã vội vã, lúc khoan thai dừng nghỉ bên đường, khi thỉnh cầu tha thiết, khi vượt biển rộn rã…

Hiện nay, ở huyện Bình Liêu vẫn còn nhiều thôn, bản duy trì tốt các làn điệu hát Then, đàn tính, như: Thôn Cốc Lồng ở xã Lục Hồn; khu Chang Nà, khu Bình Công I, khu Nà Làng ở thị trấn Bình Liêu; thôn Cửa Khẩu ở xã Hoành Mô... Chị Lèo Thị Lường, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Then-đàn tính xã Hoành Mô chia sẻ: “Chúng tôi hiện có 40 thành viên với nhiều lứa tuổi.

Nhiều thành viên trong câu lạc bộ tham gia sáng tác đặt lời mới cho các làn điệu Then mới và tham gia sưu tầm các làn điệu Then cổ để biểu diễn, giao lưu tại các dịp lễ hội, Tết, ngày kỷ niệm trọng đại của tỉnh, huyện và các hoạt động văn hóa của xã, của thôn, bản. Đối với các cơ sở lưu trú, nếu khách du lịch có nhu cầu, câu lạc bộ chúng tôi tham gia biểu diễn để phục vụ các đoàn khách”.

Ông Tô Đình Hiệu, Giám đốc Trung tâm Truyền thông-Văn hóa huyện Bình Liêu cho biết: “Di sản Then Bình Liêu đã tồn tại lâu bền trong đời sống văn hóa của người Tày, do người Tày sáng tạo, gìn giữ và trao truyền như một báu vật tinh thần không thể thiếu.

Trước đây và bây giờ, Then nghi lễ cũng như những sáng tác Then mới luôn in đậm và hiện hữu trong cuộc sống tinh thần của người Tày ở Bình Liêu. Nghệ thuật diễn xướng Then còn là nơi lưu giữ, phô diễn những nét đẹp trong văn hóa ứng xử, văn hóa nhân cách, đạo đức nhân văn, là nơi hội tụ những giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc trong kho tàng văn hóa nghệ thuật truyền thống và tính cố kết cộng đồng của người Tày”.

Ngày nay, cùng với những bài Then mới, các làn điệu Then cổ đang được các nghệ nhân sưu tầm, biểu diễn và đưa vào cuộc sống một cách chân thực, gần gũi nhất; qua đó, tạo không gian văn hóa lành mạnh đáp ứng nhu cầu vui chơi, hưởng thụ văn hóa của bà con nhân dân, góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc.

Từ một loại hình diễn xướng thiên về tín ngưỡng, làn điệu Then đang được phát huy thành thế mạnh du lịch tinh thần. Điều này cho thấy tầm quan trọng và sức sống bền bỉ của Then. Vì thế, hát Then đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại mà người Tày Bình Liêu đang gìn giữ.

Để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật hát Then cho cộng đồng dân tộc huyện Bình Liêu, đòi hỏi phải có các giải pháp tổng thể và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Giá trị nghệ thuật hát Then của người Tày ở huyện Bình Liêu có ý nghĩa không chỉ đối với việc phát triển đời sống văn hóa, ổn định chính trị, phát triển kinh tế của địa phương, mà còn đóng góp một phần vào việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa của các dân tộc Việt Nam.