Đậm chất làng Việt

Từ thành phố Nam Định, xuôi theo Quốc lộ 21 khoảng 20 km là đến được làng cổ Dịch Diệp, thuộc xã Trực Chính, huyện Trực Ninh (tỉnh Nam Định). Đây là ngôi làng cổ, được hình thành vào khoảng đầu thế kỷ 11, đến nay vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính của một làng quê Bắc Bộ.
0:00 / 0:00
0:00
Cây bồ đề hơn 900 tuổi ở chùa làng cổ Dịch Diệp, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.
Cây bồ đề hơn 900 tuổi ở chùa làng cổ Dịch Diệp, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.

Theo các bậc cao niên trong làng kể lại, đây là vùng đất hạ lưu sông Hồng; trải qua hàng trăm năm, mảnh đất này vẫn được giữ nguyên tên và trở thành một làng của xã Trực Chính hiện nay.

Ngay khi đến đầu làng Dịch Diệp, từ đường trục chính dẫn vào làng đã thấy được không gian của làng quê Bắc Bộ truyền thống với đền, chùa, cây đa, giếng nước. Làng Dịch Diệp có hình dáng như một con tàu mà mũi tàu chính là cổng Nam, còn đuôi là cổng Tây. Cổng làng hướng nam nối liền với cây cầu cuốn uốn cong, bắc qua sông vẫn còn được giữ nguyên vẹn. Cổng làng và cây cầu tuy có lối xây dựng không cầu kỳ nhưng lại kết hợp ăn ý, hài hòa trong không gian một vùng quê Bắc Bộ, dẫn vào đường làng với những ngõ nhỏ, nơi có những ngôi nhà hàng trăm năm tuổi ẩn hiện, xen kẽ với những ngôi nhà khang trang xây dựng theo kiến trúc hiện đại.

Ông Trần Duy Hội, Trưởng thôn Dịch Diệp chia sẻ: Ở Dịch Diệp hiện vẫn còn lưu giữ và bảo tồn được nhiều kiến trúc cổ đặc sắc, trong đó có nhiều cổng nhà cổ in dấu ấn thời gian, được xây kiểu cuốn mái vòm parabol, mái cổng mềm mại, uốn lượn, tùy theo địa thế, vị trí và điều kiện của mỗi nhà, chiếc cổng vòm có quy mô, bề thế khác nhau. Điểm chung là mái cổng lợp ngói, trụ cổng xây thẳng đứng, đắp vẽ rất công phu, phổ biến là đắp nổi đôi câu đối, đại tự, thể hiện phương châm xử thế hay cốt cách của chủ nhà.

Hệ thống di tích làng cổ Dịch Diệp còn có ngôi đền thờ Tam vị Thành hoàng là Chương Tấu đại vương, Lậu Khê đại vương và Phạm Vũ đại pháp thiền sư. Đây là ba vị tướng có công lao to lớn trong cuộc chống ngoại xâm và giúp địa phương mở rộng ruộng đất, khuyên răn dạy chữ, dùng nhân nghĩa kết hợp nhân tâm tạo thành phong tục tốt ở nơi đây. Đình làng còn giữ bức hoành phi mang bốn chữ “Thiện, Tục, Khả, Phong” do Vua Tự Đức ban tặng riêng cho làng với mong muốn làng tiếp tục phát huy các phong tục tốt đẹp, gìn giữ và lưu truyền cho các thế hệ con cháu đời sau. Hiện tại, làng còn lưu giữ, bảo quản 17 đạo sắc phong từ các Vua triều Lý, triều Lê phong cho ba vị Thành hoàng.

Điểm đặc biệt ở làng Dịch Diệp là cây bồ đề cổ thụ hơn 900 năm tuổi được người dân xem như “báu vật”. Cây cao hơn 20m, thân cây to với chu vi 5-6 người lớn cầm tay nhau mới ôm trọn được, quanh thân có những chiếc rễ to ghim chặt xuống đất; tán lá xòe rộng. Người dân nơi đây gọi cây là “Đại lão bồ đề”; dưới gốc cây, người dân thường ra ngồi hóng mát, kể chuyện xưa, chuyện nay, tình cảm xóm làng ngày càng gắn bó. Với những giá trị gắn liền với lịch sử, năm 2021, cây bồ đề hơn 900 tuổi ở làng Dịch Diệp đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam.

Trưởng thôn Dịch Diệp Trần Duy Hội còn cho biết: Cùng với kiến trúc, vật thể, những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương vẫn được lưu giữ, bảo tồn và truyền lại cho các thế hệ con cháu. Dân làng Dịch Diệp thuở ban đầu làm nghề canh nông, sau này mở thêm nghề dệt, đến nay, nghề dệt vẫn còn được duy trì.

Không chỉ bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa độc đáo, người dân Dịch Diệp luôn có ý thức phấn đấu vươn lên, hòa mình vào xu thế thời đại. Đến nay, tất cả các gia đình của làng được công nhận là gia đình văn hóa; hơn 360 hộ dân nơi đây giờ chỉ còn 10 hộ thuộc diện nghèo; và Dịch Diệp đang phấn đấu hoàn thành xây dựng thôn thông minh trong thời gian tới.