Cụ Nguyễn Đăng Tạ, hiện nay đã ngoài 80 tuổi, ở thôn Thân Thượng, xã Đông Cường (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) kể lại: Theo truyền ngôn, nguồn gốc trò chơi pháo đất có từ khi nước ta bị phong kiến phương Bắc đô hộ. Khi đó, các cụ lấy đất đập xuống nền tạo tiếng nổ cho quân giặc kinh hãi, rồi sau đó hằng năm diễn lại để tưởng nhớ công ơn bậc tiền nhân có công đánh đuổi giặc phương Bắc. Qua biến thiên thời gian, tập tục này chuyển hóa thành trò chơi dân gian và được tái hiện trong lễ hội truyền thống làng Thân Thượng.
Đông Cường có 6 thôn thì hiện nay 4 thôn còn duy trì trò chơi pháo đất. Đây là hoạt động văn hóa, thể thao thuần Việt, mang đậm cốt cách, bản sắc của cư dân vùng trồng lúa nước Đồng bằng sông Hồng. Cứ đến tháng 6, tháng 7, tháng 8 âm lịch, khi việc đồng áng đã xong, từ các bậc cao niên đến lứa tuổi thanh, thiếu niên lại tập trung thi đấu, giao lưu pháo đất.
Ông Nguyễn Văn Du, cán bộ công chức văn hóa xã Đông Cường cho biết, để có sự kết dính, người chơi pháo sẽ trộn thêm bông gòn hay bông quả vào đất sét, sau đó mới tiến hành nhào nặn đất thật kỹ càng, cách làm này giúp đất rất nhuyễn và có độ kết dính cao ví như một miếng giò nạc. Tiếp theo, người chơi pháo bắt đầu công đoạn vỗ đều xoay tròn để dàn mỏng quả đất sét như hình chiếc mũ cối, rồi bấm vành. Đây là kỹ thuật khó, đòi hỏi cảm nhận và sự tinh tế của mỗi người khi thực hiện để có được độ mỏng, dày hay to, bé của vành pháo khi chơi.
Chưa dừng lại, trong trò chơi dân gian này, kỹ thuật quăng pháo rất quan trọng, quyết định phần lớn độ dài, ngắn của vành pháo khi bung ra. Những người chơi lâu năm ở Đông Cường thường đúc kết kinh nghiệm quăng pháo hoàn hảo nhất, đó là phải tròn-xoáy-tít. Có nghĩa, quăng pháo có lực, có độ xoáy như chơi cù và pháo rơi xuống đất thật cân bằng, nếu bị nghiêng, ngửa hay chúi xuống quá thì vành pháo hay dây pháo sẽ bị đứt, gãy khi tiếp đất.
Tại các thôn Tào Xá, Thân Thượng, người sành chơi thường nặn pháo đất có trọng lượng từ 2-3 kg bởi còn phụ thuộc vào sức khỏe mỗi người. Do đó, đây còn là môn thể thao đòi hỏi sự dẻo dai, sức bền, biết tính toán và kiểm soát được lực khi quăng pháo. Cho đến nay, anh Nguyễn Văn Lương ở thôn Đông Khê (xã Đông Cường) là người quăng pháo có độ dài kỷ lục lên đến 8,8 mét.
Qua tìm hiểu, người dân ở Đông Cường không chỉ chơi vào dịp lễ Tết, mà đây là hoạt động diễn ra thường ngày, như một thói quen không thể thiếu của cộng đồng dân cư. Thời điểm chơi pháo đất bắt đầu từ chiều tối khi mọi người đã rảnh rỗi và thời tiết mát mẻ. Một nhóm chơi có thể vài người, nhưng cũng khi lên tới hàng chục người và kéo dài vài tiếng đồng hồ. Những năm gần đây, hội thi pháo đất được chính quyền xã Đông Cường tổ chức vào dịp Quốc khánh 2/9 thu hút hàng nghìn người đến xem, thưởng thức.
Nhằm bảo tồn nét văn hóa làng quê riêng có, vào dịp Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), Ủy ban nhân dân huyện Đông Hưng cũng tổ chức khá đều đặn Hội thi pháo đất cấp huyện với sự tham gia của xã Đông Cường, Đông Phương, An Châu, Mê Linh và Phú Lương. Thời gian qua, đoàn công tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã về Đông Cường tìm hiểu, khảo sát và có ý tưởng khai thác du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng tại miền quê bình dị này.