Nghệ sĩ Vũ Thị Kim Quy gắn bó với nghệ thuật chèo đúng ngày thành lập Đội Văn công sông Hồng thuộc Ban Tuyên huấn Khu ủy Tả Ngạn (tiền thân của Đoàn Chèo Hải Phòng ngày nay), ngày 15/10/1954. Bà vẫn nhớ như in cảm xúc lần đầu đảm nhận vai diễn Thị Mầu. Khi đó, tài sản của Đội Văn công chỉ vẻn vẹn trên hai chiếc xe thồ, hành quân đến các điểm diễn bằng đôi chân đi bộ, không có loa đài âm thanh như bây giờ và các diễn viên biểu diễn dưới ánh đèn măng-xông… Khó khăn là thế, nhưng các nghệ sĩ, diễn viên trong đội vẫn không quản ngại mang lời ca, tiếng hát của nghệ thuật truyền thống đến với các chiến sĩ trên mặt trận cũng như quần chúng nhân dân. Năm nay đã xấp xỉ ở tuổi 90, nhưng các làn điệu chèo đã đi vào máu, vào con tim của người nghệ sĩ. Nhiều đêm bà vẫn nằm mơ thấy đang được diễn trên sân khấu…
Đã ngoài 80 tuổi, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Hồng Minh, nguyên Phó Trưởng Đoàn Chèo Hải Phòng chia sẻ, đầu năm 1968, khi chiến tranh vẫn đang ác liệt, máy bay Mỹ oanh tạc khu sơ tán, khiến toàn bộ tài sản của đoàn không còn gì, nhiều cán bộ, diễn viên bị thương… Khó khăn, gian khổ là thế, đội ngũ trong đoàn vẫn kiên cường khắc phục, cùng đoàn kết trong hoạt động, tận tâm trong phục vụ sự nghiệp cách mạng.
Nghệ sĩ Phạm Thị Kim Oanh người gắn bó với Đoàn Chèo Hải Phòng từ năm 1968 khi mới 16 tuổi. Bà vẫn nhớ những vai diễn ban đầu của mình khi đảm nhận vai bé Hoa trong vở “Con gà chân chì”, hay vai Thị Kính trong vở “Quan âm Thị Kính”, cô Hoa trong vở “Người con gái sông Cấm” và nhất là vai diễn Tấm trong vở Tấm Cám năm 1975 và được Xưởng phim truyện Việt Nam quay dựng thành phim sân khấu… Hơn 70 tuổi đời, 30 năm gắn bó với Đoàn Chèo Hải Phòng, nghệ sĩ Kim Oanh vẫn luôn đau đáu với sân khấu, với nghiệp chèo. Với tình yêu nghệ thuật, bà vẫn tích cực tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, dàn dựng các vở diễn cho các địa phương, cơ sở. Nghệ sĩ Kim Oanh chia sẻ, tuổi đã cao, nhưng ngọn lửa đam mê nghệ thuật chèo trong bà vẫn luôn cháy bỏng…
Trưởng Đoàn Chèo Hải Phòng Nguyễn Văn Vận cho biết, từ ngày đầu thành lập, đoàn đã hội tụ được đông đảo lớp nghệ sĩ tài năng của cả vùng rộng lớn các địa phương của Khu Tả Ngạn, hình thành nên phong cách nghệ thuật biểu diễn đặc sắc khi kết hợp được sự hài hòa, tinh tế giữa Chiếng Chèo Đông và Chiếng Chèo Nam trong hoạt động của mình. Truyền thống quý báu 70 năm không ngừng nghỉ trên sân khấu thành phố Cảng luôn được trân trọng, giữ gìn và những ngọn lửa đam mê của các thế hệ nghệ sĩ đã tiếp tục được phát huy mạnh mẽ.
Đoàn cũng được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều Huân chương cao quý và nhiều giải thưởng có giá trị như: Giải xuất sắc về đề tài lịch sử tại Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2019, Huy chương Vàng tại Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2023, Giải thưởng Đào Tấn năm 2024… Nhiều thế hệ cán bộ, nghệ sĩ của đoàn cũng nổi danh trong làng nghệ thuật chèo cả nước như: Phó Trưởng đoàn, tiến sĩ Trần Đình Ngôn - người được mệnh danh là “vua chèo” và được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2017; Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Lan; gần 30 Nghệ sĩ Ưu tú; nhiều thế hệ cán bộ, diễn viên của đoàn trưởng thành được giao những trọng trách lãnh đạo ngành…
Nghệ sĩ Thùy Dương, lớp nghệ sĩ trẻ tài năng của sân khấu chèo Hải Phòng hôm nay, người vừa được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2024 chia sẻ, bén duyên với nghệ thuật chèo từ nhỏ, may mắn được các thế hệ nghệ sĩ gạo cội truyền dạy, nuôi dưỡng và thổi bùng ngọn lửa đam mê, cũng như được tin tưởng giao thử sức với nhiều vai diễn… đã góp phần tạo nên sự thành công của bản thân cũng như lớp diễn viên trẻ hiện nay.
Tiến sĩ Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng, người vừa nhận giải thưởng “Nhà quản lý văn hóa xuất sắc” tại Lễ trao Giải thưởng Đào Tấn năm 2024 và cũng là nghệ sĩ trưởng thành từ sân khấu chèo Hải Phòng cho biết, suốt chặng đường 70 năm qua, các thế hệ cán bộ, tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ, diễn viên, nhạc công… đã luôn giữ “lửa nghề”, lòng đam mê với nghệ thuật truyền thống, hội tụ và rèn luyện tài năng đồng sức, đồng lòng dựng xây nên vị thế của Đoàn Chèo Hải Phòng hôm nay. Hàng trăm vở diễn với nhiều đề tài phong phú phù hợp với từng giai đoạn của lịch sử được dàn dựng phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ sự nghiệp cách mạng, đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, “nằm lòng” trong nhiều thế hệ khán giả, để nghệ thuật chèo truyền thống tiếp tục cháy sáng đến hôm nay và mãi sau ■