Nơi lưu giữ và tôn vinh truyền thống vượt khó, học giỏi

Tại xã Quảng Thanh, huyện Thủy Nguyên (thành phố Hải Phòng) có một quần thể di tích lịch sử văn hóa được nhiều người biết đến - Di tích lưu niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc - một trong những địa điểm lưu giữ, tôn vinh sự học, cũng như truyền thống vượt khó, học giỏi của người dân thành phố Cảng.
Các em học sinh đua tài tại Lễ hội khai bút, Khu di tích lưu niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc.
Các em học sinh đua tài tại Lễ hội khai bút, Khu di tích lưu niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc.

Theo sử sách ghi lại, Lê Ích Mộc người làng Thanh Lãng, tổng Phù Lưu, huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn, xứ Hải Dương, nay thuộc xã Quảng Thanh, huyện Thủy Nguyên (thành phố Hải Phòng). Thuở nhỏ, gia cảnh bần hàn, Lê Ích Mộc phải đến ở nhờ chùa Diên Phúc của làng để học. Ông nổi tiếng thông minh và tài trí. Ông thường dùng ngón tay viết chữ lên mâm cát xoa phẳng để đọc, ghi nhớ rồi xóa đi, đó là cách học “nhập tâm” giúp người ta nhớ lâu hiểu kỹ. Sau ba năm, ông đã thông hiểu đủ giáo lý, giáo pháp của bộ kinh kim cương, sau 5 năm đã thông hiểu các pho kinh phật…

Mùa xuân năm Nhâm Tuất niên hiệu Cảnh Thống 5 (1502) đời Lê Hiến Tông, triều đình mở hội thi. Khoa thi năm ấy, Lê Ích Mộc đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ nhất danh (tức Trạng nguyên) - vị Trạng nguyên đầu tiên của vùng đất Hải Phòng. Lê Ích Mộc làm quan đến chức Tả thị lang. Năm 1527, nhà Mạc lên ngôi, Lê Ích Mộc treo ấn từ quan, trở về quê nhà, tu sửa chùa Ráng (Diên Phúc tự) và mở trường dạy học, cùng dân làng khai phá vùng đầm lầy ven sông, trồng cây gây rừng… Ông mất ngày 15/2 (âm lịch) năm 1538 tại quê nhà, hưởng thọ 80 tuổi.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên Uông Minh Long, cuộc đời và sự nghiệp của Trạng nguyên Lê Ích Mộc là tấm gương sáng cho các thế hệ khác nối tiếp nhau phấn đấu học tập bởi ông chính là hiện thân của tinh thần vượt khó ham học hỏi để vươn tới đỉnh cao của trí thức, phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Ông là niềm tự hào, là biểu tượng truyền thống hiếu học của huyện Thủy Nguyên nói riêng và thành phố Hải Phòng nói chung.

Nhằm tôn vinh, bảo tồn các di tích lịch sử-văn hóa gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Trạng nguyên Lê Ích Mộc, nhiều năm qua, huyện Thủy Nguyên đã quy hoạch, huy động các nguồn lực xã hội tập trung trùng tu, tôn tạo quần thể Di tích lưu niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc; khôi phục lại rừng lim mà quan Trạng từng vun trồng; đưa vào phối thờ 17 vị Khoa bảng của huyện Thủy Nguyên tại Nhà tưởng niệm… và hình thành quần thể kiến trúc vừa có ý nghĩa tâm linh vừa mang giá trị lịch sử nhân văn sâu sắc. Đây cũng là một điểm du lịch hấp dẫn, tôn vinh vị thế và những đóng góp to lớn của Trạng nguyên, cũng như địa điểm để người dân lấy đó làm gương trong giáo dục, răn dạy con cháu vượt khó, vươn lên trong học tập…

Vượt khuôn khổ của làng xã, năm 1993, Di tích lưu niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Hằng năm, nhân ngày mất của Trạng nguyên Lê Ích Mộc, tại khu di tích lịch sử-văn hóa này, huyện Thủy Nguyên lại tổ chức Lễ Khai bút đầu Xuân với dự tham dự của đông đảo người dân trong vùng và du khách thập phương. Lễ hội có các hoạt động lễ cáo yết, tế khai hội, lễ khai bút của đông đảo học sinh, cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao như: hát đúm, ca trù, trình diễn hoạt cảnh chèo tái hiện thân thế sự nghiệp của Trạng nguyên, múa lân sư rồng, long phượng hội ngộ và bóng đá, bóng chuyền hơi, cờ tướng... như động viên, đề cao sự học, thể hiện sự tôn trọng chữ nghĩa và mọi người cùng gửi gắm ước nguyện về những điều may mắn, trọn vẹn cho cả năm.

Lễ hội Khai bút đầu Xuân không chỉ là khai Tâm, khai Trí, góp phần giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa, truyền thống hiếu học của người Việt Nam, mà còn như một nhắc nhở các cấp, các ngành, toàn xã hội cùng nêu cao trách nhiệm trong sự nghiệp phát triển giáo dục, phấn đấu trong học tập, lập thân, lập nghiệp, góp phần vào sự phát triển, tiến bộ của bản thân, quê hương, đất nước - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên Uông Minh Long nhấn mạnh.