“Hợp tác xã đồng bào” trên đỉnh mù sương

Ở Suối Giàng, huyện Văn Chấn (Yên Bái), chị Lâm Thị Kim Thoa đã hướng dẫn đồng bào chăm sóc giữ gìn diện tích chè Shan tuyết cổ thụ, giữ vững vùng nguyên liệu sạch, thu hái chè đúng tiêu chuẩn, chất lượng, chế biến sản phẩm bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Ðồng thời chị chủ động liên kết, mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh để bảo đảm đầu ra ổn định, tăng thu nhập hằng năm cho các thành viên và người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Một cây chè Shan tuyết cổ thụ được bảo tồn.
Một cây chè Shan tuyết cổ thụ được bảo tồn.

Chia sẻ về cách làm ăn, hỗ trợ người dân, chị Lâm Thị Kim Thoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Suối Giàng cho biết, việc vận động, khuyến khích đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia vào hợp tác xã, thay đổi tư duy, cách thức sản xuất không hề đơn giản. Tuy vậy, với cách làm riêng của mình, chị đã vận động và giúp đồng bào H’Mông nơi đây thoát khỏi hình thức sản xuất nhỏ lẻ, tự cấp, tự túc, không có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giá cả bấp bênh, bị tư thương ép giá, hiệu quả thấp; chuyển sang hình thức sản xuất hợp tác, cùng nhau phân công lao động, sản xuất thương mại với quy mô lớn hơn và sản xuất theo chuỗi giá trị.

Hợp tác xã Suối Giàng được nhiều người biết đến với tên gọi khác là “Hợp tác xã đồng bào” bởi các thành viên chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, với 90% là đồng bào dân tộc H’Mông, còn lại số ít là các dân tộc Kinh, Dao, Tày. Ðến nay, doanh thu bình quân hằng năm của hợp tác xã đạt 2,2 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 350 triệu đồng; thu nhập bình quân người lao động đạt 5,7-6,0 triệu đồng/người/tháng.

Với phương châm “Chất lượng làm nên thương hiệu”, chị Thoa đã nỗ lực tìm tòi, học hỏi, liên kết với doanh nghiệp để nâng cao giá trị cây chè. Từ chỗ chỉ vài nghìn đồng 1 kg chè búp tươi, đến nay giá chè búp đã dao động từ 20.000 đến 300.000 đồng/kg, làm đồng bào H’Mông Suối Giàng rất phấn khởi, tin tưởng nên càng có ý thức chú trọng chăm sóc, bảo vệ cây chè cổ thụ quý giá.

Ðến nay, hợp tác xã đã có bốn dòng sản phẩm mang tên “Tuyết Sơn Trà”, đó là hồng trà, hoàng trà, diệp trà, bạch trà, được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao, có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp phù hợp nhu cầu thị hiếu của người Việt Nam và du khách nước ngoài, đang từng bước chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước. Mỗi kg trà có giá dao động từ 400 nghìn đồng đến 10 triệu đồng. Tháng 8/2023, sản phẩm OCOP 4 sao là Hồng trà Shan tuyết và Diệp trà Shan tuyết bảo đảm các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, chất lượng, thiết kế bao bì, nhãn mác... theo tiêu chuẩn châu Âu, được xuất khẩu sang thị trường Anh.

Nhận thấy trà và du lịch là hai sản phẩm có tính tương hỗ, 30 năm gắn bó với vùng đất đầy mây mù Suối Giàng, chị Thoa đã vận động gia đình cùng hỗ trợ, xây dựng khu giới thiệu sản phẩm trà và các sản phẩm OCOP “Bản Giàng Chân Mây” tại thôn Kang Kỷ, xã Suối Giàng. Ðến đây, du khách được thưởng thức trà, học cách pha trà, nghe câu chuyện về trà và văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc H’Mông Suối Giàng, đặc biệt là nơi đào tạo con em đồng bào H’Mông có việc làm ổn định và có thêm kiến thức về trà.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Văn Chấn Ðặng Duy Hiển đánh giá, cách làm của chị Thoa rất kiên trì; cách thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, giữ gìn và phát triển sản phẩm thế mạnh của địa phương thu hút được đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia hợp tác xã, đã thay đổi tư duy, cách thức sản xuất để phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Ðây là hướng đi phù hợp điều kiện vùng miền, góp phần giải quyết việc làm, cải thiện và nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số, tạo được nguồn thu nhập ổn định cho người dân, góp phần quan trọng trong giữ gìn và phát triển vườn chè cổ, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Mới đây, chị Lâm Thị Kim Thoa đã được vinh danh là “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023”.