Sau nhiều năm lao động ở các tỉnh phía nam, năm 2020, anh Thượng Thái Cát về quê nhà ở xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên lập nghiệp. Nhận thấy sản phẩm thịt bò vàng vùng cao chất lượng tốt, anh Cát đi thu mua thịt bò vàng vùng cao để chế biến thành các sản phẩm như thịt bò khô, giò bò, thịt bò tươi để tiêu thụ tại thị trường trong nước. Được khách hàng ưa chuộng, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Anh Thượng Thái Cát cho biết: “Do phải thu mua bò nhỏ lẻ trong dân dẫn đến số lượng đầu vào không ổn định, chưa đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, việc thu mua nhỏ lẻ cũng dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều, giá trị thấp”.
Trước khó khăn đó, đầu năm 2022, Hợp tác xã Cát Lý do anh Thượng Thái Cát làm giám đốc được thành lập với mục đích là xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi bò vàng hàng hóa. Hợp tác xã đã làm việc với chính quyền các địa phương có thế mạnh về chăn nuôi bò để mở rộng chuỗi liên kết chăn nuôi bò vàng với người dân. Đến nay, hợp tác xã có 462 hộ dân ở năm huyện tham gia chuỗi liên kết chăn nuôi với tổng đàn lên đến hơn 1.500 con. Việc mở rộng chuỗi liên kết được thực hiện trên cơ sở hợp tác xã đứng ra hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc theo quy trình kỹ thuật, hỗ trợ thuốc thú y, quản lý truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ toàn bộ sản phẩm.
Anh Thượng Thái Cát cho biết, khi người nuôi tham gia chuỗi liên kết, bò được chăm sóc theo quy trình kỹ thuật, được theo dõi dịch bệnh, được quản lý truy xuất nguồn gốc, do đó giá bán sẽ cao hơn so với cách chăn nuôi truyền thống.
Để hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo có cơ hội tham gia chuỗi liên kết, năm 2023, Hợp tác xã Cát Lý được hai huyện Bắc Mê, Yên Minh lựa chọn tham gia dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chăn nuôi bò vùng cao. Tham gia dự án, người dân được hỗ trợ con giống, hướng dẫn kỹ thuật. Hợp tác xã là đơn vị xây dựng dự án và được thu mua toàn bộ sản phẩm của các hộ tham gia chuỗi liên kết, được hỗ trợ quảng bá sản phẩm.
Chuỗi liên kết tại huyện Bắc Mê có 57 hộ tham gia với số lượng 85 con bò vàng; chuỗi liên kết tại huyện Yên Minh có 63 hộ tham gia với 126 con bò sinh sản. Hiện đàn bò đang phát triển tốt, mở ra cơ hội thoát nghèo bền vững cho người dân. Anh Hầu Mí Say ở thôn Bản Bó, xã Yên Định, huyện Bắc Mê được hỗ trợ hai con bò sinh sản vào đầu năm 2023. Do chọn được con giống tốt cộng với chăm sóc chu đáo, hai con bò của gia đình đã sinh sản được hai con bê. Tới đây, khi bê tròn một tuổi là có thể bán cho hợp tác xã. Anh Hầu Mí Say cho biết, khi tham gia chuỗi liên kết, gia đình có bò để nuôi, lại được hợp tác xã thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình phát triển của bò nên rất yên tâm.
Với số hộ tham gia chuỗi liên kết lớn, hợp tác xã đã ứng dụng phần mềm theo dõi đàn bò từ lúc sinh ra cho đến lúc xuất bán ra thị trường; thông tin bệnh dịch, tiêm vắc-xin và hồ sơ sức khỏe của bò đều được cập nhật thường xuyên từ chủ bò và cán bộ thú y. Mỗi con bò đều được gắn số và đi kèm là mã QR để khách hàng truy xuất nguồn gốc của thịt bò mà hợp tác xã sản xuất. Khách hàng quét mã QR sẽ biết thông tin cơ sở nuôi bò, mã bò, loại bò, ngày sinh, giống bò, trọng lượng, độ tuổi và thông tin sử dụng thuốc, vắc-xin. Đây là vấn đề cốt lõi để khách hàng tin dùng các sản phẩm của hợp tác xã.
Theo anh Thượng Thái Cát, hiện nay, đầu ra sản phẩm được phân phối độc quyền tại nhiều cửa hàng thực phẩm sạch ở các tỉnh trong cả nước, chủ yếu là Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng. Giá thịt bán tới các cửa hàng luôn đắt hơn giá thị trường nên giá thu mua bò của người dân cũng được nâng lên. Bình quân mỗi ngày, hợp tác xã tiêu thụ từ hai con bò trưởng thành trở lên để cung cấp các sản phẩm từ thịt bò ra thị trường.
Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, hiện nay nhiều địa phương đang triển khai các mô hình phát triển chăn nuôi bò. Tuy nhiên, các mô hình vẫn đơn thuần hỗ trợ người dân con giống để chăn nuôi theo hình thức truyền thống. Do đó, hợp tác xã mong muốn được chính quyền các địa phương tạo điều kiện cho hợp tác xã liên kết chăn nuôi với các hộ tham gia mô hình chăn nuôi bò, nhằm bảo đảm đàn bò được quản lý, chăm sóc, phòng dịch theo đúng quy trình kỹ thuật; được quản lý truy xuất nguồn gốc nhằm nâng cao giá trị.