Quan điểm phát triển của quy hoạch là phát huy tối đa lợi thế của quốc gia, của vùng, của địa phương để phát triển đô thị trở thành động lực giữ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế đất nước, phát triển hài hòa đô thị và nông thôn; trong đó, phát triển thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố khác trực thuộc Trung ương trở thành các đô thị năng động, sáng tạo, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị, có vai trò quan trọng trong mạng lưới đô thị của khu vực Đông Nam Á và châu Á. Quy hoạch đô thị lớn gắn với giao thông công cộng - TOD, chú trọng khai thác không gian ngầm, phát triển các đô thị vệ tinh, giảm tải cho đô thị trung tâm.
Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có bốn vùng đô thị, trong đó vùng đô thị Hà Nội là vùng đô thị lớn gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hòa Bình và Phú Thọ.
Quy hoạch xác định, xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội là cực tăng trưởng quốc gia và các đô thị lân cận của các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng trung du và miền núi phía bắc nhằm chia sẻ chức năng về giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ, thương mại, dịch vụ, du lịch; hạn chế sự tập trung quá mức vào đô thị trung tâm Hà Nội; phù hợp hệ sinh thái lưu vực sông Hồng và sông Thái Bình.
Quy hoạch tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và hạ tầng kết nối đồng bộ, hiện đại, tăng năng lực kết nối nhanh các trục từ Hà Nội kết nối với Hải Phòng, Hạ Long và các đô thị lớn của vùng (gồm các thành phố: Vĩnh Yên, Bắc Ninh, Phủ Lý, Thái Nguyên, Hòa Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang là cực tăng trưởng thứ cấp của vùng); hoàn chỉnh các đường vành đai 4, vành đai 5-vùng Thủ đô Hà Nội và các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt vành đai phía đông thành phố Hà Nội; chuẩn bị hạ tầng kết nối và phát triển sân bay thứ hai phía nam vùng Thủ đô, thúc đẩy liên kết và lan tỏa phát triển kinh tế-xã hội cho cả khu vực phía bắc; hình thành các vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ dọc theo các đường vành đai 4, vành đai 5-vùng Thủ đô Hà Nội và Quốc lộ 18, Quốc lộ 5 Hà Nội-Hải Phòng, Hà Nội-Quảng Ninh.
Hệ thống đô thị trung tâm quốc gia (là đô thị loại đặc biệt và đô thị loại 1) xác định mục tiêu xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến-văn minh-hiện đại”, có vị trí nổi trội về văn hóa, lịch sử khu vực Đông Nam Á. Hà Nội đồng thời cũng là trung tâm động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; xây dựng các thành phố trực thuộc, đô thị vệ tinh liên kết với đô thị trung tâm tạo thành hạt nhân của vùng đô thị Hà Nội.
Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định Hà Nội cần khai thác lợi thế sông Hồng, tạo lập hình ảnh thương hiệu đô thị. Thành phố tập trung xây dựng hạ tầng hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, thoát nước, sớm khắc phục tình trạng tắc nghẽn, ngập úng; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đường sắt đô thị, xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng, sông Đuống; quản lý, khai thác không gian ngầm gắn với nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất đô thị.
Với các chỉ tiêu mà Quy hoạch đặt ra, để đáp ứng được những mục tiêu và kỳ vọng, thành phố Hà Nội cần có những chương trình, kế hoạch đầu tư với nguồn lực lớn. Theo Quy hoạch đến năm 2030, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt từ 16-26%. Hiện nay, chỉ tiêu này của Hà Nội đang ở mức từ 12-13%. Mục tiêu về diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 8-10 m2, Hà Nội hiện đang đạt mức bình quân 2m2/người. Mục tiêu về diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt tối thiểu 32 m2.
Trong năm 2023, Hà Nội đã vượt kế hoạch chỉ tiêu về nhà ở bình quân đầu người, đạt 28,2 m2. Như vậy, chỉ tiêu về nhà ở đối với Hà Nội là khá khả quan. Về tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch bảo đảm chất lượng đạt 100% vào năm 2030 theo tiêu chí của quy hoạch, Hà Nội cũng đặt mục tiêu tương tự 95-100%.
Vấn đề khó khăn của thành phố là nâng tỷ lệ cấp nước sạch cho khu vực nông thôn. Việc nâng cao chất lượng sống tại khu vực nông thôn sẽ tác động rất lớn đến khu vực đô thị của Hà Nội. Bởi chỉ có nâng cao điều kiện sống của khu vực nông thôn, ven đô, thì Hà Nội mới có thể thực hiện được mục tiêu hạn chế sự tập trung quá mức vào đô thị trung tâm.