Du lịch Hà Nội tăng tốc để vượt mục tiêu

Hà Nội đang trong tiết cuối thu đầu đông - những ngày thời tiết đẹp nhất trong năm. Đây cũng là "mùa vàng" của ngành du lịch khi có thể triển khai nhiều loại hình du lịch khác nhau, từ các tour đi thăm, trải nghiệm di sản, làng nghề, du lịch sinh thái cho đến du lịch đường sông. Do đó, thành phố tích cực tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, du lịch để thu hút khách, phấn đấu vượt mục tiêu đón 29 triệu lượt khách du lịch năm 2024.
0:00 / 0:00
0:00
Giang Nam Khách du lịch tham quan gian hàng của làng nghề sơn mài Hạ Thái. (Ảnh Đỗ Minh)
Giang Nam Khách du lịch tham quan gian hàng của làng nghề sơn mài Hạ Thái. (Ảnh Đỗ Minh)

Giai đoạn thu-đông luôn là khoảng thời gian Hà Nội có điều kiện thời tiết lý tưởng nhất cho các hoạt động vui chơi, giải trí, tham quan, ngắm cảnh. Đây luôn được coi là "mùa vàng" của du lịch Thủ đô. Các sở, ngành, địa phương đều tranh thủ tổ chức nhiều hoạt động để thu hút khách trong thời gian này. Đầu đông là mùa hoa dã quỳ - đặc sản của vùng núi Ba Vì. Thời gian hoa dã quỳ đẹp nhất là từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 12.

Từ cuối tháng 10, Ban Quản lý Vườn quốc gia Ba Vì sẵn sàng các dịch vụ lều trại, bảo đảm an ninh, trật tự, bãi trông giữ xe và tu sửa một số con đường để sẵn sàng đón khách. Ban Quản lý sớm thông báo về những cung đường đẹp nhất để "săn" hoa dã quỳ cũng như "săn" mây trên đỉnh núi Ba Vì. Vào những dịp cuối tuần, Ban Quản lý đề nghị Công an huyện Ba Vì và lực lượng chức năng các xã Tản Lĩnh, Vân Hòa tăng cường lực lượng phân luồng giao thông.

Trong tháng 11, thành phố tổ chức hàng loạt sự kiện văn hóa, du lịch lớn. Nổi bật là Lễ hội Thiết kế Sáng tạo tổ chức tại các tuyến phố: Lý Thái Tổ-Lê Thánh Tông và dốc Bác Cổ-Tràng Tiền.

Hàng loạt di sản kiến trúc nổi tiếng của Hà Nội như: Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Nhà khách Chính phủ, giảng đường Đại học Quốc gia Hà Nội… sẽ trở thành không gian tổ chức hơn 100 hoạt động của lễ hội, gồm các trưng bày, triển lãm, chiếu phim, tọa đàm, workshop, trình diễn thời trang…

Các hoạt động sẽ diễn ra liên tục trong hơn một tuần, từ ngày 9 đến 17/11. Cách đây tròn một năm, với địa điểm tổ chức chính là Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (quận Long Biên), lễ hội đã thu hút hơn 200 nghìn lượt người tham gia. Dự kiến năm nay, lượng người đến với lễ hội sẽ phá kỷ lục nêu trên. Sự kiện này sẽ "góp sức" vào tăng trưởng du lịch trên địa bàn thành phố.

Cuối tháng 11, thành phố sẽ tổ chức Lễ hội văn hóa Ẩm thực Hà Nội năm 2024 tại Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng). Với chủ đề: "Hà Nội kết nối năm châu", lễ hội sẽ tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, ẩm thực truyền thống của Thủ đô, qua đó khẳng định vị thế của Hà Nội là điểm đến ẩm thực hấp dẫn tới bạn bè trong nước, khu vực và quốc tế.

Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024 được chia làm nhiều khu vực, với các nhóm hoạt động chính gồm: Khu vực gian hàng ẩm thực; khu vực triển lãm ảnh; triển lãm sách lưu động; các hoạt động trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật truyền thống và hiện đại; giao lưu, tọa đàm.

Trong đó, các gian hàng ẩm thực lại được chia thành các khu: Khu vực ẩm thực quốc tế; khu vực giới thiệu không gian văn hóa ẩm thực tiêu biểu của các làng nghề truyền thống và các hoạt động trình diễn của các nghệ nhân; khu vực giới thiệu sản phẩm và thưởng thức ẩm thực với các hoạt động trải nghiệm.

Những món ăn đặc sắc nhất của Hà Nội như: Phở, cốm, trà sen, bánh cuốn Thanh Trì, giò chả Ước Lễ… cùng nhiều món ăn làng quê khác sẽ xuất hiện trong lễ hội. Năm 2023, Lễ hội văn hóa Ẩm thực Hà Nội thu hút 60 nghìn lượt người trong ba ngày và mùa lễ hội năm nay sẽ tiếp tục là dịp để quảng bá ẩm thực như một thương hiệu du lịch Thủ đô.

Đối với nhóm sản phẩm du lịch, sau khi tung ra nhóm sản phẩm đặc trưng về mùa thu Hà Nội, mới đây, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Thường Tín ra mắt tour du lịch "Nghệ thuật làng nghề thủ công Duyên Thái" giới thiệu nghề làm sơn mài ở thôn Hạ Thái và làm đồ mã ở thôn Phúc Am (xã Duyên Thái) tới du khách.

Trong đó, nghề làm đồ mã ở thôn Phúc Am gắn với nét đẹp di sản tín ngưỡng thờ Mẫu là một nét mới trong khai thác các tài nguyên du lịch làng nghề ngoại thành Hà Nội. Tour du lịch này tại huyện Thường Tín hứa hẹn sẽ thu hút nhiều khách trong nước và quốc tế.

Thời gian từ nay đến hết năm 2024 không còn dài, tận dụng thời tiết thuận lợi, các sở, ngành, địa phương của Hà Nội đang nỗ lực triển khai đồng bộ các hoạt động thu hút khách. Dự kiến Hà Nội sẽ vượt mục tiêu đón 29 triệu khách du lịch trong năm 2024 như đã đề ra từ đầu năm.