Tạo đột phá từ thực hiện việc mới, việc khó

Khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; sự chậm trễ, phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính gây bức xúc trong dư luận là những vấn đề tồn tại ở Hà Nội trong thời gian dài. Nhưng đến nay, những lĩnh vực này đã có nhiều chuyển biến tích cực bằng nhiều giải pháp linh hoạt, chủ động từ cấp thành phố đến cơ sở.
0:00 / 0:00
0:00
Dự án đường vành đai 4-Vùng Thủ đô đoạn qua Hà Nội đang được thi công bảo đảm tiến độ.
Dự án đường vành đai 4-Vùng Thủ đô đoạn qua Hà Nội đang được thi công bảo đảm tiến độ.

Bài 3: Thước đo năng lực cán bộ

Dự án đường vành đai 4-Vùng Thủ đô chỉ sau hai năm triển khai, dù còn một vài vướng mắc, nhưng về tổng thể đã đạt được kết quả rất lớn.

Khi cấp ủy cùng vào cuộc

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cho biết, tính đến cuối tháng 10/2024, dự án đường vành đai 4-Vùng Thủ đô đoạn qua Hà Nội đã giải phóng mặt bằng được hơn 98% (đạt 783,9/798,67 ha) và phấn đấu hoàn thành công tác này trong năm 2024.

Với dự án thành phần 2.1 (đường song hành), sau 15 tháng khởi công, bốn gói thầu xây lắp đã được các nhà thầu đồng loạt triển khai với 32 mũi thi công để xử lý nền đất yếu, thi công cầu, đường và thảm bê-tông nhựa.

Sản lượng đến nay đạt khoảng 1.550/4.205 tỷ đồng (đạt 36,86%) và dự kiến hoàn thành dự án vào quý IV/2025, bảo đảm đúng tiến độ đề ra. Kết quả này có được từ sự chỉ đạo và vào cuộc quyết liệt từ thành phố đến các địa phương, trong đó không thể không nhắc đến vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ chủ chốt.

Tại huyện Thường Tín, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tiến Minh đã nhiều lần xuống trực tiếp dự sinh hoạt chi bộ thôn và đối thoại để tuyên truyền, vận động người dân. Gia đình đồng chí Bí thư Huyện ủy còn gương mẫu đi đầu di dời phần mộ của dòng họ để bàn giao mặt bằng thi công dự án.

Cũng tại huyện Thường Tín, dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A qua thị trấn Thường Tín đang được tập trung thi công, với khoảng 200 hộ nằm trong diện giải phóng mặt bằng. Tại đây có nhà của một số đồng chí nguyên lãnh đạo huyện và cả một số đồng chí lãnh đạo các ban đảng, phòng chuyên môn của huyện.

"Người dân có tâm lý "xem nhà cán bộ" thế nào đã rồi mới làm. Chúng tôi lại thấy rằng đây không phải là áp lực, mà còn là thuận lợi rất lớn", Bí thư Đảng ủy thị trấn Từ Ngọc Thành cho biết. Sau khi nắm tình hình và vận động, đã có hàng chục hộ tự nguyện bàn giao mặt bằng ngay, trong đó có nhiều đảng viên, cán bộ chủ chốt và bước đầu tạo hiệu ứng lan tỏa rất tốt.

Cũng bằng việc "kéo" người dân cùng tham gia để đạt đồng thuận cao, thời gian qua, hàng loạt dự án hạ tầng tại Hà Nội đã được triển khai hiệu quả. Bí thư Đảng ủy xã Hồng Dương (huyện Thanh Oai) Nguyễn Văn Thanh cho biết, tại các buổi sinh hoạt chuyên đề, các chi bộ đều chọn những việc khó, bức xúc trên địa bàn về giải phóng mặt bằng, vệ sinh môi trường, mở rộng đường làng ngõ xóm... để bàn, thảo luận và đưa ra các giải pháp thực hiện.

Trong công tác giải phóng mặt bằng, các vấn đề đều được nêu lên một cách minh bạch, trao đổi thẳng thắn, tạo sự thống nhất, đồng thuận từ trong chi ủy đến các đảng viên. Bí thư Chi bộ thôn Hoàng Trung (xã Hồng Dương) Nguyễn Hồng Sơn cho biết, sau khi thống nhất ở chi bộ, các đảng viên có liên quan đến dự án gương mẫu thực hiện trước, sau đó vận động người thân, họ hàng cùng tham gia. "Chúng tôi phân công mỗi đảng viên phụ trách tuyên truyền, vận động cụ thể bao nhiêu hộ dân và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm", đồng chí Nguyễn Hồng Sơn nói.

Nhờ đó, từ giữa năm 2022 đến nay, một số dự án quan trọng là giải phóng mặt bằng Cụm công nghiệp Hồng Dương và mở rộng Quốc lộ 21B đoạn qua xã với hàng trăm phương án đất nông nghiệp, đất ở, đến nay đã thực hiện xong, không phải cưỡng chế bất cứ trường hợp nào.

Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Thanh cho biết: "Thậm chí nhiều nhà còn tự nguyện nhận tiền trước, làm đơn xin nhường đất, tạo hiệu ứng lan tỏa tốt. Rõ ràng khi cấp ủy vào cuộc, đảng viên nêu gương, kết quả đạt được rất cao, góp phần quan trọng để Hồng Dương về đích nông thôn mới kiểu mẫu".

Khơi thông "điểm nghẽn"

Ở cấp thành phố, nhiều việc mới, việc khó cũng được tập trung giải quyết hiệu quả. Điển hình là công tác phân cấp, ủy quyền, bấy lâu nay là "điểm nghẽn" cản trở quá trình phát triển. Có thời gian dài, lãnh đạo một số huyện phải nhiều lần đề nghị việc được xây dựng thêm trường trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn, bởi nhu cầu về chỗ học rất lớn, nhưng triển khai quá chậm.

Dù ngân sách và quỹ đất đã có, nhưng cả chục năm trời vẫn chưa xây được trường bởi thủ tục quá rườm rà, phức tạp. Thấy rõ điều đó, thành phố đã phân cấp, ủy quyền cho các địa phương làm chủ đầu tư và đến nay, huyện Gia Lâm đã khánh thành Trường THPT Dương Xá, huyện Thanh Oai nâng cấp, cải tạo Trường THPT Thanh Oai B, huyện Đông Anh khởi công Trường THPT Nguyên Khê…, từng bước đáp ứng mong đợi của người dân.

Từ việc phân cấp, ủy quyền, người dân và doanh nghiệp được hưởng lợi hơn rất nhiều khi hàng trăm thủ tục hành chính đã được ủy quyền về cho các quận, huyện giải quyết. Anh Nguyễn Văn Lâm (ở Mỹ Đức) cho biết, trước kia muốn đổi giấy phép lái xe ô-tô, anh phải đi hàng chục cây số để đến Sở Giao thông vận tải làm thủ tục, vừa mất thời gian, vừa tốn thêm chi phí đi lại. "Mới đây tôi đến bộ phận "một cửa" của Ủy ban nhân dân huyện là được giải quyết, thuận tiện hơn nhiều", anh Lâm chia sẻ.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Minh Hải, thành phố đã điều chỉnh bổ sung quy định phân cấp cho cấp huyện nhiều lĩnh vực liên quan đến dân sinh, như phân cấp cho cấp huyện đầu tư, cải tạo, nâng cấp, mở rộng trường THPT; đầu tư xây dựng chợ hạng 1; cấp điện chiếu sáng ngõ, ngách trên địa bàn các quận; quản lý tượng đài; quản lý di tích; bến, bãi đỗ xe; đèn tín hiệu giao thông... Cộng với 73 nhiệm vụ đã được phân cấp trước đây, đến nay, thành phố đã phân cấp cho cấp huyện ít nhất 210 nhiệm vụ chính, tăng gần 200% so với trước.

Việc phân cấp, ủy quyền đã góp phần giải phóng được nguồn lực của các quận, huyện có nguồn lực tốt. Trong gần hai năm qua, Hà Nội đã phê duyệt chủ trương đầu tư 67 dự án sử dụng ngân sách cấp huyện để thực hiện các nhiệm vụ chi cấp thành phố với tổng kinh phí hơn 24 nghìn tỷ đồng.

"Việc phân cấp, ủy quyền cho các địa phương đã tạo tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các quận, huyện, thị xã, nhất là trong công tác đầu tư trên địa bàn", Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh nói.

Có được kết quả này là sự quyết liệt rất cao của thành phố, để từ một "điểm nghẽn", sau khi được khơi thông đã đem lại hiệu quả lớn trong công tác quản lý, điều hành. Theo Thường trực Thành ủy: Giải quyết những việc khó khăn, phức tạp là một trong những "thước đo" năng lực, tinh thần trách nhiệm, vì công việc chung của cán bộ, đảng viên; tránh tư tưởng nể nang, né tránh, ngại va chạm, "giữ an toàn" hoặc cục bộ, bè phái, gây ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị các cấp và kết quả thực hiện nhiệm vụ.

(Còn nữa)

(*) Xem trang Hà Nội Báo Nhân Dân từ ngày 5 và 8/11/2024.