Chỉ trong hai ngày đầu diễn ra Lễ hội Thiết kế sáng tạo, chưa tính lượng người đến những không gian ngoài trời, buổi biểu diễn khai mạc, hay màn "Diễu hành Phố Chợ" dọc theo tuyến phố Tràng Tiền, đã có hơn 20 nghìn lượt người đến với các không gian như: Cung Thiếu nhi, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, tòa nhà Đại học Quốc gia Hà Nội… Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 chứng tỏ sức hút mạnh mẽ đối với công chúng Thủ đô cũng như khách du lịch.
Điều mà ai cũng cảm nhận rõ trong các hoạt động tại lễ hội, đó là những công trình cũ được đem đến những công năng mới. Điển hình trong đó là Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Chiếm phần lớn không gian ngoài trời của Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam (trước đây thuộc Viện Viễn Đông Bác cổ, một trong những công trình tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Đông Dương ở Việt Nam) là Pavilion (kiến trúc biểu tượng) Rồng rắn lên mây. Không gian này vốn thuộc về các bia đá, tượng cổ... Pavilion Rồng rắn lên mây thoạt nhìn trông rất hiện đại, với bề mặt sáng bóng. Nhưng chính bề mặt sáng bóng ấy lại phản chiếu sự cổ kính.
Công trình là những đường cong uốn lượn vốn lấy cảm hứng từ trò chơi dân gian rồng rắn lên mây, xen kẽ trong không gian "rồng rắn" là các tác phẩm sắp đặt trưng bày mô hình Bảo tàng Lịch sử quốc gia ở các tỷ lệ khác nhau. Điều đó giúp quá khứ hòa với hiện đại, công trình trở thành một phần của không gian kiến trúc chung.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng trở thành nơi trình diễn thời gian, những cuộc tọa đàm hướng tới kết nối di sản với đời sống đương đại. Tham quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong "mùa" Lễ hội Thiết kế sáng tạo, anh Phạm Trung Hiếu (phố Đại Từ, quận Hoàng Mai) cho biết: "Bọn trẻ nhà tôi thấy bảo tàng trở nên gần gũi hơn, nếu chỉ có các pho tượng, các hiện vật cổ, chúng sẽ ngần ngại khi tiếp cận".
Cũng trong dịp này, tòa nhà của Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Đông Dương, Đại học Tổng hợp trước đây, nay là Đại học Quốc gia Hà Nội) trở thành không gian trưng bày 22 tác phẩm nghệ thuật trong một đại triển lãm mang tên "Cảm thức Đông Dương". Những giảng đường, hành lang đều trở thành không gian nghệ thuật, nơi các nghệ sĩ vừa thể hiện cái tôi sáng tạo của mình, đồng thời, tôn vinh nét đẹp của công trình kiến trúc Đông Dương đầu tiên tại Hà Nội này.
Một không gian khác được sử dụng trong lễ hội là các vườn hoa: Diên Hồng, Cổ Tân… Những vườn hoa lâu nay chỉ đóng vai trò là những không gian xanh, nơi những người dân đi bộ, đi dạo, nghỉ ngơi thì những Lễ hội Thiết kế sáng tạo được tổ chức thời gian qua khiến người dân làm quen với công năng mới.
Vườn hoa là nơi diễn ra những hoạt động nghệ thuật, sáng tạo, có những triển lãm "đem nghệ thuật xuống đường" để cộng đồng tiếp cận; nơi có những Pavilion nổi bật… Từ chỗ xa lạ với những Pavilion, công chúng bắt đầu làm quen dần. Đó là Pavilion Không gian truyền thống tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2022; hay Pavilion Dòng tại vườn hoa Diên Hồng, Nhà khách Chính phủ năm nay…
Công năng mới cho những kiến trúc cũ, đó là những gợi ý mà Lễ hội Thiết kế sáng tạo đem đến cho cộng đồng. Còn nhớ Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2023, các di sản công nghiệp như Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Tháp nước Hàng Đậu cũng "biến hình" trở thành không gian văn hóa, sáng tạo.
Ở những đô thị có lịch sử lâu dài, tái thiết đô thị là một tất yếu. Bởi đó là quá trình gìn giữ hồn cốt của giá trị cũ mà vẫn đáp ứng được những nhu cầu của cuộc sống hiện đại. Không những thế, khi đưa yếu tố sáng tạo vào đó, nó còn đem đến bản sắc mới, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa cho bản thân đô thị đó.
Tái thiết đô thị bền vững là một trong những trụ cột của xây dựng Thành phố Sáng tạo và điều này đang được lan tỏa qua những Lễ hội Thiết kế sáng tạo. Song, từ những gợi ý Lễ hội Thiết kế sáng tạo đem đến thực tế luôn là khoảng cách. Tháp nước Hàng Đậu, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm sau ít ngày sôi động vào tháng 11/2023 lại im lìm đóng cửa.
Liệu Tháp nước Hàng Đậu có mở cửa trở lại không? Mai này Nhà máy Xe lửa Gia Lâm sẽ thế nào? Có đập đi xây mới không hay sẽ được tái thiết? Lễ hội Thiết kế sáng tạo đem đến những gợi ý thú vị và thiết thực cho tái thiết đô thị. Nhưng dư luận chờ đợi sự tái thiết trên thực tế, thay vì những dấu chấm lửng...