Khu di tích Văn Miếu Sơn Tây vừa là nơi diễn ra show “Về miền di sản” do Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây tổ chức, nhằm tôn vinh những nét đẹp văn hóa, di sản, thúc đẩy Năm du lịch Sơn Tây-xứ Đoài. Show diễn nằm trong khuôn khổ các hoạt động của vòng sơ khảo Cuộc thi Hoa hậu Di sản áo dài Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết: Cuộc thi Hoa hậu Di sản áo dài Việt Nam không chỉ tìm kiếm những gương mặt đẹp về nhan sắc, tâm hồn và tài năng, mà còn là dịp để tôn vinh và bảo tồn giá trị văn hóa của tà áo dài - một biểu tượng di sản quý báu của dân tộc; khơi dậy tình yêu áo dài, niềm tự hào dân tộc.
Show diễn quy tụ sự tham gia của các thí sinh đến từ mọi miền Tổ quốc và các hoa hậu, người mẫu, nghệ sĩ nổi tiếng như: Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2024 Bùi Xuân Hạnh, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Nhượng… Tại show diễn, các thí sinh đã trình diễn những bộ áo dài truyền tải câu chuyện về văn hóa của các dân tộc anh em. Chung kết cuộc thi dự kiến diễn ra tối 24/11 tại sân khấu chính ở phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây. Cuộc thi Hoa hậu Di sản áo dài Việt Nam là một điểm nhấn quan trọng trong các hoạt động tôn vinh di sản, thu hút đông khách du lịch.
Thị xã Sơn Tây là trung tâm của vùng văn hóa xứ Đoài, nơi có kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể giàu có, điển hình như: Thành cổ Sơn Tây-tòa thành đá ong duy nhất ở Việt Nam, Văn Miếu Sơn Tây, Làng cổ Đường Lâm, chùa Mía, đền Và… Sau khi Thành ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU năm 2022 về Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thị ủy đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU. Thị ủy coi thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa là nền tảng để xây dựng Sơn Tây trở thành đô thị vệ tinh của Thủ đô với chức năng đô thị văn hóa-lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng. Thị xã đã tổ chức thành công nhiều sự kiện, chương trình văn hóa đặc sắc tạo nên nhiều không gian văn hóa mới, lành mạnh, thu hút đông đảo người dân và khách du lịch.
Đến nay, thị xã Sơn Tây đã xây dựng được nhiều sản phẩm, không gian văn hóa sáng tạo, mô hình làm du lịch mới tại các điểm du lịch. Chỉ riêng tại Làng cổ Đường Lâm hiện có các mô hình: Trải nghiệm làm nông nghiệp, làm gốm, vẽ tranh, ẩm thực cỗ sen, cơm quê, cho thuê trang phục, xe đạp, chụp ảnh, homestay, tổ chức phiên chợ Làng Mô, chợ đêm Làng cổ… Khu vực Thành cổ Sơn Tây ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn, nhất là hoạt động của phố đi bộ quanh thành cổ tổ chức vào dịp cuối tuần.
Các hoạt động đón Tết, Trung thu… tại thành cổ trở thành sự kiện văn hóa thu hút đông đảo du khách. Hiện nay thị xã có hai điểm du lịch đã được thành phố công nhận là: Điểm du lịch Làng cổ Đường Lâm, điểm du lịch thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn; sản phẩm du lịch trải nghiệm Ẩm thực truyền thống Bắc Bộ - Làng cổ Đường Lâm đã được trao giải thưởng Sản phẩm Du lịch bền vững ASEAN. Bên cạnh đó, Sơn Tây còn chú trọng phát triển làng nghề, nghề truyền thống để tạo ra sản phẩm du lịch với “lá cờ đầu” là làng nghề bánh tẻ Phú Nhi.
Năm 2023, thị xã Sơn Tây đón gần 1,2 triệu lượt khách trong và ngoài nước, là con số lớn nhất từ trước đến nay, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của thị xã và Thủ đô. Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thị xã Sơn Tây Nguyễn Quang Hán cho biết, để các giá trị văn hóa, con người thật sự trở thành nền tảng, nguồn sức mạnh nội sinh quan trọng đối với sự phát triển bền vững, trong thời gian tới, thị xã Sơn Tây tập trung bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên văn hóa gắn với phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là phát triển du lịch văn hóa.