Khai thác tiềm năng vùng đồng bào dân tộc, thiểu số

Thời gian qua, nhất là từ năm 2019 đến nay, thành phố Hà Nội đã ưu tiên các nguồn vốn để đầu tư phát triển toàn diện kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tạo tiền đề quan trọng để khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, nâng cao cuộc sống của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Ba Vì phát triển du lịch cộng đồng. (Ảnh Họa Mi)
Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Ba Vì phát triển du lịch cộng đồng. (Ảnh Họa Mi)

Đồng bào dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội sinh sống ở tất cả 30 quận, huyện, thị xã với gần 107.850 người thuộc 50 dân tộc thiểu số, chiếm 1,3% dân số Thủ đô, trong đó có 55.000 người, chủ yếu là người dân tộc Mường và dân tộc Dao cư trú tập trung theo cộng đồng tại 119 thôn, thuộc 14 xã của năm huyện, gồm: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức và Chương Mỹ.

Để chăm lo đồng bào dân tộc thiểu số, thành phố đã ban hành nhiều chương trình, chỉ thị, nghị quyết để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cao nhất nguồn lực của thành phố và các chương trình mục tiêu quốc gia, bố trí hơn 5.000 tỷ đồng từ ngân sách của địa phương, cùng với các nguồn vốn huy động khác để đầu tư 265 dự án, công trình điện, đường giao thông, công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, khu vui chơi thể thao được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại.

Nhờ đó, hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại. Đặc biệt là hệ thống điện, đường, trường, trạm được quan tâm đầu tư từ sớm, bảo đảm phục vụ nhu cầu của người dân và yêu cầu phát triển của cả vùng và khu vực.

Chị Nguyễn Thị Thanh, sinh sống tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất cho biết, người dân tộc Mường chiếm 42% trong tổng số gần 7.900 nhân khẩu của xã, nhưng đồng bào các dân tộc chung sống đoàn kết, phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa dân tộc. Đáng chú ý, người dân tự nguyện đóng góp hơn sáu tỷ đồng để đổ bê-tông, trồng hoa, chậu cây cảnh và an toàn, lắp đặt camera an ninh, xây dựng các tuyến đường thôn xóm sáng, xanh, sạch đẹp…

Cùng với sự đồng thuận, nỗ lực lao động sáng tạo, vươn lên thoát nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ngày càng được nâng cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, có nhiều điểm sáng về sản xuất nông, lâm nghiệp hiệu quả gắn với các mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng…

Qua đó từng bước thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm của đồng bào các dân tộc thiểu số theo hướng sản xuất hàng hóa hiện đại, gắn với hội nhập kinh tế quốc tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi duy trì bình quân hơn 10% năm.

Thu nhập và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cao, bình quân đạt khoảng 65 triệu đồng/người/năm, có xã đạt hơn 70 triệu đồng/người/năm, tăng hơn hai lần so với năm 2018. Tỷ lệ hộ người dân tộc thiểu số là 0,2%, dự kiến đến năm 2025, Hà Nội sẽ không còn hộ nghèo. Hơn 80% số trường học đạt chuẩn quốc gia; 100% số xã dân tộc, miền núi đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Nhiều vấn đề bức thiết tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số đã được tập trung giải quyết có hiệu quả như: Bố trí ổn định dân cư, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các hộ thiếu đất sản xuất, cung cấp nước sạch, bảo hiểm y tế…

Trưởng ban Dân tộc thành phố Nguyễn Nguyên Quân cho biết, cùng phát triển kinh tế - xã hội, công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc được thực hiện hiệu quả. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tiến bộ.

An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng đoàn kết, cùng sống hòa thuận, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau chung tay xây dựng Thủ đô và đất nước văn minh, hiện đại.

Mới đây, phát biểu tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội lần thứ IV năm 2024, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Trần Sỹ Thanh khẳng định, cùng nguồn lực của thành phố Hà Nội và các chương trình mục tiêu quốc gia, sự nỗ lực, quyết tâm vượt khó của từng cộng đồng các dân tộc, sự linh hoạt, sáng tạo trong hành động của mỗi gia đình, mỗi cá nhân đã góp phần tạo nên sự thay đổi tích cực về đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn Thủ đô.

Đồng chí nhấn mạnh, thời gian tới thành phố sẽ tiếp tục huy động, ưu tiên bố trí nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tạo điều kiện để phát triển toàn diện kinh tế-xã hội, thu hẹp khoảng cách giữa vùng dân tộc thiểu số, miền núi với vùng ngoại thành và đô thị.